Ho Nhat Duy

Small thoughts for a quiet world

Câu hỏi từ một người bạn.

Quay về những năm Facebook bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam khoảng năm 2012–2014, tôi thường vào Facebook để nhắn tin với bạn bè, trò chuyện vui vẻ trên bài đăng của nhau, chọc lẫn nhau (nút Poke huyền thoại) lẫn làm quen với những người lạ. Đôi khi chia sẻ quá mức — ngày nào cũng đăng mấy thứ linh tinh, nhưng tôi thật sự đã kết nối với những người bạn ngoài đời và còn gặp rất nhiều người bạn mới, hầu hết đều tuyệt vời!

Ngày vui qua mau, Facebook bắt đầu thao túng người dùng bằng cách ẩn các bài đăng từ người thật, thay thế chúng bằng các quảng cáo, xáo trộn và điều chỉnh dòng thời gian bằng thuật toán. Tiếp theo, người người nhà nhà bắt đầu sử dụng Facebook đại trà. Thậm chí cả chính phủ cũng có tài khoản chính thức, trong khi trước đó chính họ từng ra lệnh cho nhà mạng chặn Facebook vì Fomosa.

Bùng nổ người dùng khiến nơi từng kết nối con người biến thành cái chợ. Người ta bắt đầu đem đủ mọi thứ tạp nham lên mạng. Các trang tin lá cải tha hồ giật tít, dựng chuyện. Nhiều người thấy chuyện gì cũng nhảy xổ vào bình luận, tỏ ra cao thượng hoặc thậm chí, chửi rủa, “ném đá” ai đó dù không quen và cũng không rõ chuyện thực hư như thế nào. Những tranh luận lịch sự hiếm dần và mọi người bắt đầu tấn công lẫn nhau. Nay bốc phốt, vu khống người này, mai livestream sỉ vả người kia từ từ trở thành chuyện bình thường. Một xã hội mọi rợ và rẻ tiền dần được hình thành trên Facebook.

Và vì vậy, tôi bái bai Facebook.

Mọi thứ dần nhẹ nhõm. Tôi không còn quan tâm về bất cứ thứ gì lan truyền hoặc đang thịnh hành trên mạng xã hội. Thay vì dính hội chứng FOMO (Fear of Missing Out), tôi đã trở nên miễn nhiễm với nó. Thời gian tôi từng lãng phí theo dõi những gì đang xảy ra trên Facebook được dành cho chỗ khác và điều tuyệt vời nhất là tôi không cảm thấy bị áp lực. Tôi vẫn có quan điểm riêng mạnh mẽ — về những điều tôi quan tâm nhất — nhưng tôi không cần cả thế giới phải biết.

Một điều đáng tiếc là hầu hết những người tôi yêu quý vẫn còn mắc kẹt trong cái hố đen. Dùng hay không là lựa chọn của mỗi người, nhưng điều quan trọng là tôi muốn mọi người nhận ra mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội đối với cuộc sống của chúng ta, mức độ chúng có thể thay đổi hành vi và cách suy nghĩ của chúng ta. Rồi sau đó đưa ra quyết định cho bản thân.

#Technology

Bên ngoài, đàn ông luôn phải tỏ ra lúc nào cũng mạnh mẽ. Nhưng sâu thẳm bên trong, ước muốn của họ chỉ đơn giản là ôm chặt người yêu vào lòng thủ thỉ, được cô ấy âu yếm lại như một đứa trẻ. Đó là ước muốn mà đàn ông không bao giờ nói.

#Thoughts

(Web 3.0) Nhận định về tiền điện tử

Trên thực tế, tiền điện tử (cryptocurrency) còn nhiều vấn đề tiêu cực nên không được ủng hộ đại trà, cũng như chưa thể sử dụng trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, với sự cường điệu từ các phương tiện truyền thông, cũng như lời hứa hẹn hấp dẫn từ các dự án lừa đảo – mặt trái của tiền điện tử hầu như đã bị khỏa lấp. Bởi lẽ đó, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có một nhận định đúng đắn về tính chất của tiền điện tử.

Tiền điện tử – có thật là một cuộc cách mạng?

Tiền điện tử được nhiều người ví như “cuộc cách mạng về tiền tệ”, “khoản đầu tư cho tương lai” hay “công nghệ đột phá”. Nhưng nếu nhìn xa hơn, bạn sẽ thấy tất cả đó chỉ là cách gọi cường điệu.

Về cơ bản, tiền điện tử là một loại hàng hóa kỹ thuật số, không được phần lớn chính phủ/hệ thống ngân hàng trên thế giới hậu thuẫn. Tiền điện tử được mệnh danh là đơn vị tiền tệ kỹ thuật số mới của Internet vì hứa hẹn sự phi tập trung và không bị quản lý bởi chính phủ.

Mỗi loại tiền điện tử thường tuân theo một công thức nhất định để đảm bảo mang về lợi ích cho những người tạo ra chúng. Như là tính chất logic, an toàn của thuật toán hay điểm khác biệt của loại tiền điện tử đó đối với các loại tiền điện tử khác.

Do tiền điện tử quá khó áp dụng vào thực tiễn đời sống hằng ngày, nên mọi người dần coi nó như một món đồ để đầu tư: nghĩa là mua vào rồi bán ra kiếm lời. Vấn đề lớn nhất là để rút tiền thật từ hệ thống, bạn phải tìm một người sẵn sàng mua các token tiền điện tử bạn đang nắm giữ. Và điều này chỉ có thể xảy ra nếu người mua đó tin rằng họ sẽ có thể bán chúng cho một người nào đó lại trả nhiều tiền hơn nữa. Vòng lặp mua-bán tiền điện tử cứ thế tiếp diễn vô tận.

Nếu vào một thời điểm nào đó, nhà đầu cơ không còn tìm thấy những người sẵn sàng mua những token tiền điện tử với lời hứa hẹn rằng chúng sẽ có giá trị hơn trong tương lai, thì toàn bộ nền tảng tiền điện tử đó sẽ bị sụp đổ, giá trị của tất cả token sẽ bằng không.

…Hay là sự phá hoại môi trường?

Việc ngốn điện của tiền điện tử là một mối quan tâm lớn khác. Chỉ riêng đồng Bitcoin đã tiêu thụ một khối lượng điện khủng khiếp, tương đương bằng vài quốc gia. Chưa hết, chỉ số này sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu công nghệ lập trình đằng sau loại tiền điện tử không thể xử lý được vấn đề tối ưu hóa.

Rõ ràng, kiểu tiêu thụ năng lượng này không tốt cho môi trường vì năng lượng rõ ràng có thể được sử dụng tốt hơn ở một nơi khác. Kể cả khi bạn dùng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch thì số lượng năng lượng lãng phí cũng vẫn rất lớn.

Trong khi thế giới đang cố gắng hết sức để giảm lượng khí thải carbon, thì việc cày tiền điện tử giống như đang phá hoại nỗ lực này.

Quan điểm riêng

Khi hiểu rõ về bản chất công nghệ của tiền điện tử, bạn sẽ thấy chúng có nhiều tác động tiêu cực đối với nhân loại, xã hội và môi trường.

Hiện tại đã có hơn 8,000 loại tiền điện tử đang tồn tại, so với hơn 180 loại tiền tệ thực tế có thể sử dụng hợp pháp trên toàn thế giới, nhưng vẫn chưa có bất kỳ phương thức ý nghĩa nào để tận dụng công nghệ tiền điện tử.

Mô hình tiền điện tử hiện tại được thiết kế để thu hút bạn vào một hệ thống vận hành cực kỳ kém hiệu quả, tiêu tốn rất nhiều năng lượng, chiếm dụng một lượng lớn phần cứng có thể được sử dụng để làm việc khác và thường sẽ dẫn đến việc những kẻ sáng lập thì giàu ra còn nhà đầu tư thì tiền mất trắng. Không quá khi nói, tiền điện tử chỉ đơn thuần là một cỗ máy đánh bạc phức tạp cho những kẻ đốt tiền.

Tiền điện tử có thể là một trò chơi may rủi đối với một số nhà đầu tư tò mò và những nhà đầu cơ giàu có; nhưng đối với ai thiếu hiểu biết về công nghệ, không đủ tỉnh táo nhận ra đâu là đồng tiền lừa đảo (ví dụ Pi Network) thì tiền điện tử là một cái bẫy.

Nó không đáng để thử.

#Technology

Nhìn lại thì thấy, năm ngoái viết rất ít.

Nhiều công việc để làm khiến tôi ‘quên’ mất thói quen gõ chữ. Suy nghĩ, ý tưởng thì luôn có đó, nhưng những thứ cơm áo mưu sinh luôn khiến tôi bị đứt mạch cảm xúc. Cũng không thể đổ thừa hết cho công việc; vì nhiều lúc tôi đã viết ra rồi, đột nhiên lý trí tự phản biện rồi tự thấy suy nghĩ của mình sai bét nên xóa hết.

Mà không viết thì cũng làm được kha khá thứ khác:

Năm rồi, xem phim cứ tưởng ít hóa ra lại nhiều, đã vượt qua cột mốc 1,000 phim. Giãn cách ở nhà cũng có ưu điểm của nó.

Năm rồi, đã tạo ra một trang portfolio tuyệt đẹp để lưu lại vài thứ hay ho bản thân làm ra.

Năm rồi, đóng góp cho cộng đồng cũng nhiều hơn các năm trước. Giúp bản địa hóa cho 8 phần mềm. Góp sức cho Wikipedia Tiếng Việt cũng nhiều hơn.

Dù vậy, đối với tôi, viết ra những thứ cho bản thân luôn là điều giá trị. Ví dụ như thi thoảng, trong những đêm dài yên tĩnh, tôi mở trang lưu trữ blog lên đọc lại ngẫu nhiên mấy bài đăng cũ. Có bài gợi nhớ về người xưa buồn ray rứt, có bài ba xàm bá láp đọc cười đứt ruột. Tất cả chúng nhắc cho tôi nhớ rằng – à, cuộc đời mình từng có lúc như vậy.

Tự hứa với bản thân, năm sau sẽ viết nhiều hơn, chỉ vậy thôi.

#Self

Thời tôi còn nhỏ, Trung Thu là một cái dịp mà tôi khoái kinh khủng. Bởi hôm đó là ngày lũ trẻ nhà quê từ đầu trên tới cuối xóm được phép đốt lửa trong nhà. Đã vậy còn có bánh in, bánh pía ăn đã cái miệng.

Không khí “lễ hội” bắt đầu vào trước rằm tháng tám khoảng chục ngày – khi các lớp trong trường được giao nhiệm vụ làm lồng đèn khổng lồ để thi đua lấy thành tích ở Đoàn phường. Tôi lại nhà thằng Kiệt coi cha nó và nó làm lồng đèn ngôi sao khổng lồ cho lớp. Đầu tiên là đi chặt tre. Những cây tre ngâm dưới đìa mấy ngày trước rồi mới đem lên chẻ ra từng thanh dài nhỏ. Các thanh tre đã chẻ ra được ghép lại thành 2 ngôi sao năm cánh, sau đó tiếp tục buộc đầu 2 ngôi sao năm cánh với nhau bằng dây chì. Giấy kiếng màu thì mua ngoài chợ, 3 màu: đỏ, cam, xanh tre. Thằng nào nhà giàu mới dán mỗi cánh sao một màu, còn lại hầu hết nguyên ngôi sao toàn màu đỏ. Đo trước rồi cắt giấy kiếng thành từng miếng theo kích thước, sau đó phết keo dán lên khung ngôi sao. Trong lúc chờ keo khô, chẻ tiếp 5 cây chèn nhỏ; chọn một cây xuyên ruột gà (lò xo) vào để làm giá đỡ đèn cầy. Năm cây đó chỏi vào các góc ngôi sao để lồng đèn phồng lên. Vậy là có một cái lồng đèn ngôi sao khổng lồ để đốt nhà, à đốt trong nhà.

Trong xóm có thằng Ngỗng con bà Bé Hai sở hữu những cái lồng đèn mà nhiều đứa khác thèm muốn. Phía sau nhà nó trúc um tùm nên nó thừa vật liệu để tự chế lồng đèn khổng lồ. Dịp Trung Thu, nhà trước nó chưng nào là lồng đèn tàu thủy khổng lồ, lồng đèn bướm khổng lồ, lồng đèn Tề Thiên khổng lồ. Nó còn có lồng đèn thiếc tạo từ vỏ lon bia cắt miếng ra rồi ép xuống tròn tròn nhìn giống củ sắn.

Rồi ngày đó cũng tới. Sáng thứ Hai chào cờ, những đứa nhà khó khăn được cho lồng đèn ngôi sao và đèn cầy. Những đứa ngồi ở dưới hỏi thăm nhau “Ê mày có lồng đèn chưa”, “Tao tự làm”, “Tao chờ anh tao nhận về chia cho tao”, “Trưa nay về làm”… Tùy vào tấm lòng của mạnh thường quân, có năm tôi có lồng đèn, có năm không. Năm nào không, nhà có cái gì là tôi làm lồng đèn từ cái đó: lon sữa bột, lon sữa bò, lon thuốc tôm, can dầu ăn 5 lít cắt đôi,… chơi hết. Nói làm cho oai chớ chỉ lấy đinh đục lỗ xỏ dây chì qua.

Trời chập tối. Các dĩa bánh in, bánh pía đã được sắp sẵn ra chưng trên bàn Thông Thiên ngoài trời lẫn các bàn thờ khác trong nhà, đi kèm theo với mấy chung trà nhỏ xinh. Giúp người lớn sắp dĩa lên bàn thờ và thắp nhang xong, trò chơi ánh sáng bắt đầu. Tôi đốt đèn cầy trước, xong cúi xuống nhiễu giọt đèn cầy lên cây chèn, rồi nhanh tay ịn đèn cầy vào. Ngọn lửa bùng lên, táp cháy một miếng giấy kiếng. Tôi hớt hãi thổi lửa tắt rồi làm lại. Sau một phút nín thở, cuối cùng thì mấy lồng đèn ngôi sao cũng được thắp lên. Đèn cầy gãy hoặc dư thì đem xếp trái tim trên sàn nhà lung linh như ăn sinh nhật. Lồng đèn xài pin lúc đó là một thứ đồ chơi mắc mỏ, dù phát ra âm thanh nhưng chơi không vui. Ánh sáng đèn LED cũng chói mắt, thua xa ánh sáng lung linh từ đèn cầy. Chơi lồng đèn vui ở chỗ nín thở đốt đèn cầy, sau đó giữ cho đèn cầy không bị tắt hoặc táp cháy lồng đèn.

Nếu mai này Trung Thu, tụi nhỏ không còn được thắp lửa, liệu còn gì vui nữa chớ?!

#Self

Tôi nhớ hồi đi làm và bị bắt buộc phải dùng Facebook.

Lúc đó, tôi không theo dõi bất cứ fanpage nào, không là thành viên của bất cứ group nào, không xem phim sex, không nhắn tin về sex – vậy mà bảng tin Facebook vẫn xuất hiện gợi ý những bài đăng có chứa hình ảnh chia sẻ link phim sex trong các group của người Việt Nam. Ẩn bài này, bữa sau lại hiện bài khác. Điều đó làm tôi phát bực.

Trong vòng một tháng, tôi đã báo cáo 07 bài đăng có chứa hình ảnh ở truồng khoe bộ phận sinh dục khác nhau, trong đó có hẳn 01 hình sex trẻ em. Rõ ràng, lồ lộ và không che. Vậy mà tất cả báo cáo đều được phản hồi là “không vi phạm quy tắc cộng đồng”. Sốc hơn là khi tôi kể lại điều này với hai vị quản lý và trưởng nhóm, họ trả lời nguyên văn như sau:

– “Facebook bây giờ trùm mà em. Mình dùng nền tảng của ông lớn nên phải theo luật của ông lớn” – “Than vãn được gì. Ngon làm ra thứ gì đối đầu Facebook đi rồi nói”

Viết ra để quên mà vẫn cảm giác buồn nôn.

#Thoughts

Những hành tinh nhỏ

Ngày nhỏ học tiểu học trường làng, có lần chúng tôi cãi nhau đạn làm từ gì. Thằng nói từ miểng, thằng cãi: Ủa đm từ miểng sao mài ra tròn vo được như vậy? Chí chóe cả buổi rốt cuộc chẳng đứa nào biết đạn làm từ gì, mặc dù đứa nào cũng chơi và mê đạn hơn cả điểm 10.

Lẽ dễ hiểu. Thời thiếu thốn, nhiều đứa đi học nhà không cho tiền ăn hàng, mua đồ chơi, những viên đạn trên tay như thứ châu báu tuổi nhỏ. Đấu nhau ăn thua, mua lại từ nhau, nhịn ăn hàng, lượm ve chai, giải bài dùm… để có đạn chơi. Mà muốn có đạn chơi, không phải có tiền mua là có liền. Những tiệm bán đạn ở cách xa tuốt ngoài chợ vài cây số. Thường thì đó là mấy tiệm đồ chơi hoặc mấy tiệm tạp hóa trước cổng trường. Bà chủ tiệm đồ chơi trước trường tiểu học Phường 5 hỏi tôi mua bao nhiêu, hai ngàn phải hôn, mười viên nha... Bà cẩn thận xoay nắp hũ đựng đạn ra, bỏ vào đôi tay đang xòe ra của tôi những viên châu báu lóng lánh.

Muốn có nhiều châu báu mà không cần mua thì phải thi đấu. Tôi và tụi bạn thường kẻ vạch thi đấu trên sân đất. Thằng nào gieo sát dưới vạch kẻ nhất được ưu tiên bắn trước. Thằng nào gieo huốt vạch kẻ bị “ke”, phải chịu bắn sau. Bắn đạn cũng tựa tựa như thụt bida: viên đạn của mình bắn trúng viên đạn đối thủ, mình có quyền lấy viên đạn đó. Nhiều thằng tài năng bắn được kiểu “giựt về”; nghĩa là nếu bắn trúng, viên đạn sẽ xoáy xoáy lui về chứ không văng ra hướng khác. Thằng sở hữu đạn nhiều nhất mà tôi từng thấy, nó chứa đầy đạn trong can dầu ăn năm lít.

Đã có lúc tôi nghĩ mỗi viên đạn là một hành tinh thu nhỏ, vì nó đẹp quá, đủ màu sắc giống hệt như hình minh họa các hành tinh trong sách giáo khoa. Những viên đạn trong suốt thì gọi đạn keo. Những viên đạn có bề mặt lồi lõm thì gọi đạn mè. Những viên đạn chỉ đặc một màu thì gọi đạn sữa. Những viên đạn sữa thường nặng hơn, to hơn và trị giá bằng 2 viên đạn thường.

Không biết với giá 1000đ mười viên hồi ấy, bây giờ người ta có còn sản xuất đạn cho trẻ con chơi hay không. Duy có tôi đây hôm nay nhớ lại, lại thấy mấy thằng nhỏ ngồi tụm đầu ngoài nắng, bàn tay dơ mèm bụi đất, trong túi (hoặc mấy chai nước suối) lấp lánh những hành tinh nhỏ.

(Hình minh họa là hình tìm trên mạng, bởi vì tôi đã không còn giữ viên đạn nào nữa)

#Self

Tôi (và nhiều người) đã từng mơ mộng lãng mạn là vứt bỏ mọi thứ tích lũy trong nhiều năm để về quê hoặc lên rừng sống bình yên. Thậm chí có đánh đổi ‘vất vả’ một chút cũng được.

Đó là một giấc mơ đẹp. Nhưng chẳng mấy ai thực hiện được. Chúng ta đã thích nghi với các đô thị quá lâu. Chúng ta bị lệ thuộc vào cuộc sống hiện đại. Chúng ta cảm thấy thoải mái khi ở nhà với đầy đủ tiện nghi, dễ dàng theo dõi cả thế giới thông qua cái màn hình. Chúng ta không phải săn bắn hay hái lượm như tổ tiên nữa. Chúng ta nằm phòng máy lạnh trong một ngày nóng như thiêu đốt. Chúng ta có thể đi những quãng đường dài mà không cần tốn nhiều sức lực. Và chúng ta có chỗ ngồi thực sự thoải mái. Chúng ta hiếm khi muốn thay đổi chỗ ở hiện tại bởi vì không chịu được sự bất tiện.

Suy nghĩ về việc ‘về quê trồng thêm cá & nuôi thêm rau’ hoặc lên rừng sống tốn rất nhiều thời gian. Tôi tưởng tượng nó xảy ra như thế nào, rồi nó sẽ tuyệt vời như thế nào – gần như thể tôi đang tìm kiếm lý do mà tôi cần phải làm. Nhưng tôi không bao giờ thực sự quyết tâm thực hiện nó. Tôi nhận ra rằng thực sự có điều gì khác gây ra suy nghĩ ‘về quê’. Càng sớm nhận ra điều đó là gì, tôi càng sớm có thể cải thiện vị trí hiện tại của bản thân, thay vì tập trung vào mong muốn đó.

#Thoughts

It’s late. You are seconds away from the main street in a small alley. It’s quieter here, but you can still hear the sound of chatter, footsteps, and cars from busy downtown. The city is buzzing, the streets are like arteries. You see an intriguing place in the alley, with a moon on its door. It reads “The Midnight Pub”.

#Notes

Trước đây, mình từng so sánh Tumblr như là 1 thành phố. Vậy còn Facebook và Instagram thì sao? Mình nghĩ Fa-In giống như những siêu đô thị (megacity) đã quá chật chội.

Hãy trả lời câu hỏi: Bạn đã bao giờ bắt đầu viết một bài đăng trên mạng xã hội yêu thích của mình, sau đó chùng tay không dám đăng, lo lắng không biết ai có thể nhìn thấy nó? Bạn nghĩ và sợ về việc cha mẹ, bạn bè, người quen hoặc sếp của bạn có thể nhìn thấy những gì bạn đã viết – đặc biệt nếu bạn đang viết về điều gì đó mà số đông không chấp nhận. Fa-In đông đúc, nhộn nhịp, nhưng đi kèm với cái giá phải trả là những cảm xúc thật bị bóp đến ngẹt thở.

Chúng ta cần nhiều hơn những thành phố/thị trấn/xóm làng nhỏ trên web giống như Tumblr – nơi thật sự có không gian xanh với môi trường tự nhiên, an lành để sống, nơi được định hình bởi những người sống trong đó. Nhưng để người ta bỏ phố về quê hết là điều khó xảy ra.

Những người rời bỏ siêu đô thị để về các nơi khác nhỏ hơn sẽ luôn là những người cảm thấy không thoải mái khi sống ở siêu đô thị. Họ lựa chọn chủ động bước ra khỏi nhịp sống ồn ào của siêu đô thị. Còn những người sống ở siêu đô thị đã quen thuộc và gắn chặt với tiện nghi, họ thiếu động lực để thay đổi thực tại. Về nông thôn, họ cũng sẽ khó kinh doanh. Cho dù có bao nhiêu người đã xóa Facebook đi chăng nữa, những người còn lại vẫn sẽ không quan tâm, bởi vì trên nền tảng Facebook có đến 3 tỷ người dùng. Họ tiếp tục lệ thuộc Facebook rồi nhanh chóng quên ngay những người đã rời bỏ nền tảng.

Suy cho cùng, chúng ta đâu cần thiết phải xóa sổ hết các siêu đô thị để xây dựng một thành phố nhỏ yên bình. Chúng ta chỉ cần sống thật tốt ở nơi mà chúng ta muốn sống. Ở đây: Tumblr.

#Technology #Privacy