Ho Nhat Duy

Self

Sáng nay thức sớm, nói sớm chứ cũng hơn bảy giờ, rửa mặt xong tôi thong thả cuốc bộ ra khu dân cư phường 5 kiếm miếng bỏ bụng. Phong thái vô ưu vừa tắm xong sáng Chủ Nhật làm tôi nhận ra là mười mấy năm, cảnh vật ở đây đã thay đổi nhiều lắm. Con đường tôi chụp-bạn thấy, khi xưa là một rẫy trồng hành tươi ngát xen kẽ với mấy cái đìa, sáng đi học ngang qua hay thấy người ta kéo ống tưới nước bắn thành chùm đẹp như mưa bụi. Cái rẫy đó đang bị chôn chặt dưới lớp nhựa đường tôi đang đứng ngay trên, chẳng còn một tý dấu vết. Có chút ưu tư nhưng nhận ra tiếp, nơi đây được tốt cái là yên tĩnh hơn so với khu dân cư phường 2 cách không xa. Mấy căn nhà bên đường vẫn đóng cửa im lìm, hai ông bà lão vẫn tập dưỡng sinh quơ tay múa chân như rôbốt, nhóm đàn ông cởi trần đá cầu vẫn hăm hở đá như mọi ngày, vài đứa trẻ chạy xe đạp lướt qua… Không như chị 2 đã biến chất, thằng bé 5 này rất ít quán nhậu và quán karaoke, tiệm bán đồ ăn sáng thì nhiều. Sau mấy bận kén chọn giữa chục tiệm hủ tíu mì, bún riêu, bún xào, bánh mỳ thịt, xôi mặn, cơm thịt nướng thì rốt cuộc tôi đã chọn ăn hoành thánh, một món mà tôi từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ có ai bán ở giữa nơi nông tràng này. Lúc về nhà pha cà phê ngồi uống một mình, tôi nốc một hớp thật nhiều để rồi sau đó sặc sụa, nghẹn lại ở cuống họng. Thật không vậy? Cái mùi hành nồng nồng năm nào đã biến thành vị ngọt của nước súp hoành thánh và vị đắng của cà phê mất rồi!

#Self

Cách đây 15 năm có một bà cụ bán sách báo cũ ở trước vỉa hè tòa án thị xã. Tôi nhớ lần đầu tiên mình biết bà là một buổi sáng đạp xe đạp ở vòng vòng đó. Có lẽ lúc đó khoảng mười một giờ vì học sinh trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm kề bên tan học bủa ra rất đông. Bà cụ dáng người nhỏ con, da ngăm đen, tóc cháy nắng, thưa nhưng vẫn còn đen lắm, hai mắt hơi lồi. Bà thường bán từ khoảng bảy, tám giờ cho tới khoảng mười giờ rưỡi là dọn hàng. Phương tiện chuyên dụng để chở sách báo của bà là một chiếc xe đạp ba gác cũng cũ mèm như bộ đồ bà ba đen bà mặc. Có bao nhiêu sách báo cũ là bà chất thành chồng theo kích cỡ rồi sau mới bỏ vào bao chất lên xe. Khi tới chỗ, bà trải tấm bạt rộng như cái giường ra rồi xếp đều sách báo lên. Sách báo loại gì cũng có. Tôi thì hay mua Thế Giới @ và Echip giá 500đ/tờ hoặc Kiến Thức Ngày Nay hay Tuổi Trẻ Cười đồng giá 1000đ. Mua báo cũ thế này có cái hay là tìm được cả báo cũ lẫn mới với giá bèo, và nguồn thì luôn đổi mới theo ngày. Dưới vòm me mát rượi, bà cụ ngả người trên ghế xếp đọc báo, đôi khi tôi thấy bà ăn xôi mặn và uống bia lon. Những ngày cuối cùng, vẫn chỗ đó, vẫn chiếc xe đạp ba gác chất đầy những bao sách báo, nhưng bà không còn bán nữa mà là hai chị em tóc cháy nắng, cháu của bà bán. Không bao lâu sau, tôi nghe tin bà cụ đã chết rồi. Hai đứa cháu bà cụ bán đâu được một tháng thì bỏ nghề. Từ đó thói quen mua báo cũ đọc của tôi cũng chết theo.

Bây giờ, cái chỗ ấy đã trở thành một quán cà phê vỉa hè phục vụ cho người ở tòa án. Mà sao mỗi lần tôi qua vẫn thấy hình ảnh một bà cụ đang ngả người trên ghế xếp đọc báo mặc xe cộ qua lại tấp nập.

#Self

Mình nhớ nhiều ngày đó, những ngày ăn cơm với đồ ăn nghèo nàn và ít ỏi, một tuần được 2 bữa có thịt. May là mình và các bro cùng phòng mang theo khá nhiều đồ măm măm trong hành lý: mì gói, bánh mỳ tây, xúc xích, khô bò, mì trẻ em... Ăn một chén cơm, về phòng nấu tiếp một gói mì mới ngủ ngon. Căn tin phía trước có bán mì mà chẳng hiểu sao mì nấu lén bằng ấm điện lúc nào cũng ngon hơn. Căn tin cũng có bán nước ngọt cơ mà giá hơi mắc. Mình thì mỗi tuần đem theo một lốc Pepsi chai 500ml rồi cứ thế mua thêm nước đá là đủ sống; tối nào ghiền mới ra căn tin uống cà phê sữa.

Rồi lại bày ra trò kéo bè kéo phái tụ tập lại nhậu, tên ngốc nào đấy rủ thêm gái vào phá mồi. Điều làm mình tiếc nuối mãi đến giờ là chưa khiến hai thằng lớp trưởng 8DTA và 8CVHDL say cho chó ăn chè. À, thằng lớp trưởng 8DTA thì có một lần rồi, say bí tỉ và ngáy như bò; trong lúc ngủ còn mớ kêu tên nhỏ nào quên mất tên trong lớp thằng chả nữa chứ: anh yêu em, đừng bỏ anh T ơi.

Rồi những sáng tinh mơ tập thể dục cho tỉnh xong chui vào ngủ tiếp. Rồi những chiều lao động đói, mệt muốn xỉu. Rồi tắm và giặt giũ ở bồn nước. Rồi họp tiểu đội, họp trung đội cuối ngày (chủ yếu để tâm sự với nhau). Rồi kể chuyện ma đêm khuya...

#Self

Trường Võ thị Sáu xây trên một khu đất hình tam giác, có 5 dãy, chẳng ra một chương pháp nào hết. Cổng trước trường là đường Võ Thị Sáu, đối diện Đài Phát Thanh Thị xã. Cổng sau là đường Hai Bà Trưng, tức là đường TTGDTX cũ chạy thẳng. Cổng sau với nhiều gốc dừa cao vút ban đầu là chỗ giữ xe, sau trường bị đập thì dời ra trước. Những dãy phòng thấp lè tè, lợp ngói, cái nóng Bạc Liêu lại chiếu xuống làm lưng áo thầy cô và học trò lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi.

Cụm văn phòng gồm 4 phòng nhỏ xíu kế nhau. Thứ nhất là phòng truyền thống, trưng bày hình ảnh hoạt động về trường. Tiếp theo phòng kế toán, cái màn hình máy tính của cô kế toán đặt sát cửa sổ nên đi ngang qua thấy rõ hết cô làm gì. Ở giữa là phòng Ban Giám Hiệu, có 3 cái bàn nhỏ, mấy cái tủ gỗ, có cả một cái giường đơn ở sau nữa. Cuối cùng rộng nhất là phòng họp giáo viên, cũng là nơi thầy cô đợi chờ tới tiết. Phía trước dãy phòng này có nhiều bồn dừa kiểng che nắng rất hiệu quả.

Phía sau cụm văn phòng là phòng nhạc, cũng không khác phòng học bình thường cho mấy. Cô dạy nhạc cho toàn trường là cô Linh, sẽ nhắc tới trong phần sau. Cái vách tường phía sau lợp nhựa để cách âm ghi chi chít những hàng chữ tầm xàm bá láp của học trò như “là người con gái không đái như đàn ông, đàn ông thì đứng mà gái thì ngồi”, “em yêu anh lắm Hùng ơi”, “Boom level 124, tuyển ox”... Phía sau của phòng nhạc lại là căn nhà thiếc ộp ẹp của chú Tùng bảo vệ, được ngăn cách bởi cái đụn cát học nhảy xa thể dục. Sau nhà có gốc bàng nhỏ là nơi tập kết chai, ly nhựa bán ve chai. Tụi học trò học thể dục lâu lâu lại móc trong cái bao bố kiếm lon sữa bò chơi tạt lon. Xui xui gặp bữa bên trong toàn là kiến vàng nhảy như khỉ mà tay thì không buông cái lon.

Dãy phòng thực hành thì gồm phòng tin học, máy chạy Windows 95 vào năm 2008, phòng thực hành Hóa, phòng thực hành Lý, phòng thực hành Sinh. Phòng nào cũng khô ráo sạch sẽ nhưng hình như có cái mùi gì đó như mùi tro trấu ướt. Phía sau dãy phòng thực hành là kho chứa ghế nhựa chào cờ. Ngoài ra thông với dãy phòng thí nghiệm là phòng Đoàn Đội, ở giữa có cái bàn chà bá chiếm gần hết không gian phòng, phòng này rất ít vào.

Nằm phía sau dãy phòng thí nghiệm là căn tin, một nơi hơi tối. Kế cửa vào căn tin là sạp bán bánh kẹo Trung Quốc, linh tinh các thứ của một người bà tóc muối tiêu mà tụi nhỏ gọi thân thương là bà. Đặc điểm sạp của bà là chiếm ít không gian nhất căn tin nhưng “hàng” thì đa dạng, treo lên từng dây, bán giá cũng rẻ. Gần đó là sạp bán văn phòng phẩm, tập viết thước, khăn quàng, hình xăm các loại của một cô gái, bữa nào cô này làm biếng là sạp nghĩ bán. Ngồi dưới gốc cây còng là một dì bán các loại đồ ăn tự nấu như khoai chiên, bột chiên, mua xong đựng trong vỏ mì giấy, tự chan mỡ hành. Kế đến là một người phụ nữ trung niên tóc hoa râm mà nhiều đứa gọi là “má”. Hàng “má” bán tương tự như “bà” nhưng cao cấp hơn như snack Poca, kẹo Mỹ, singum Thái... Chỗ quan trọng nhất là sạp bán nước, sang thì uống Sting, không thì uống Pepsi, 7Up, Mirinda chai miểng, đưa tiền xong là ông chủ quán đầu hói hoặc các cô gái xinh đẹp khui nắp cái rẹt đổ vào ly nhựa, nước đá thì tự múc ở cái thùng kế đó. Hai thằng hùn tiền lại mua cái hai cái tẩy uống vừa đủ đã khát. Có khi nghèo quá thì mua cái tẩy không giá 1000đ múc nước đá rồi châm nước trà đá vào uống ực ực cho đã cơn khát. Tiệm nước thông ra đường nên có thể cúp học đường này được. Buổi sáng thì có thêm hàng mỳ, hàng cơm sườn, hàng bò viên, hàng trái cây gọt sẵn ướp lạnh. Lâu lâu chúng tôi lại thấy các anh hùng hảo hán chủ sạp tụ họp lại với nhau “Hoa Sơn Luận Kiếm” đánh tứ sắc.

Sẽ là một thiếu sót “cực kỳ trầm trọng” nếu không nhắc đến quầy sách Bình Minh, nằm ở gần gần khu nhà vệ sinh. Nó là một cái phòng lợp hoàn toàn bằng thiếc, mặt tiền thì hướng ra đường, phần thân và cửa sau thì nằm lọt hẳn trong khuôn viên trường. Gọi là quầy sách chứ thật ra chủ yếu bán quà lưu niệm nhiều, sách vở thì khiêm tốn. Giờ ra chơi là nơi bạn nữ các lớp tụ họp về shopping. Đông nhất là vào các dịp 20/11, 8/3, nam nữ gì cũng mua quà tặng thầy cô, đến nỗi nhờ gói giùm hộp quà tiết 1 đến tiết 5 mới có. Đây cũng là một cửa ngõ cúp học, nhưng chỉ với những bạn nào quen thân thiết với cô chủ cổ mới cho ra thôi.

#Self

Lúc đó, trường Võ Thị Sáu còn nhỏ xíu, chưa xây lại khang trang như bây giờ. Trong trường có một bà lão mà tất cả mọi người đều gọi thân thương là Dì Năm hoặc Năm.

Dù không phải tạp vụ nhưng mỗi ngày Năm đều châm nước bình thủy, xếp ly ở phòng chờ giáo viên cho thầy cô uống. Công việc của vợ chú Tùng bảo vệ nhưng thường thì dì giành làm. Việc này chắc vì Năm thích, còn công việc mưu sinh thật của Năm là đi vòng quanh trường nhặt ly nước, chai nhựa của lũ học trò vứt bừa bãi bán ve chai. Mặc dù vậy, rác hay gì thì Năm cũng nhặt hết. Những thứ bán được thì Năm bỏ vào bao riêng, còn rác thì Năm bỏ vào thùng rác lớn.

Có lần, thằng bạn giỡn lấy dép bỏ ra ngoài cửa sổ, đi lượm lại thì kiếm không có, nó gãi đầu “Còn nước cuối, tao với mày ra nhà Dì Năm hỏi”. Nhà Năm nhỏ xíu, lợp thiếc ở ngay trước trường, chỗ hiện nay là cái vỉa hè rộng thênh thang. Bước vào thì thấy kia rồi, chiếc dép đang treo tòng teng trên vách, bên cạnh là nhiều chiếc khác, có cái cả đôi, có cái một chiếc. Chưa kịp hỏi thì Năm đã móm mém nói “Mấy con kiếm dép phải hôn? Hồi nãy Năm có lụm một chiếc của đứa nào đẹp lắm”. Nhận lại chiếc dép từ tay dì và cảm ơn xong, không ngăn nổi tò mò mới hỏi chớ Dì Năm giữ dép lại chi nhiều vậy? Bà cụ trả lời một câu mà tới bây giờ còn nhớ hoài: “Năm lụm cho mấy đứa bán vé số, tội nghiệp tụi nó nắng nóng cháy thịt cháy da mà đi chân không”. Sau bữa đó, mình đổi thói quen hẳn. Chai nước Pepsi, Mirinda uống xong không bỏ chung với rác mà đem bỏ vô cái bao của Năm dựng ở gốc cây bàng. Thấy nhiều đứa còn đưa tận tay luôn: “Con cho Năm chai nước”.

Bữa đó Trung Thu học thể dục. Sướng lắm, ra sân hít thở không khí trong lành, khởi động xong thì tập luyện sơ qua cái thầy dạy, xong rồi thì tha hồ chơi đùa. Vài đứa có tâm hồn ăn uống đem bánh trung thu, bánh in theo ăn. Đem theo cả đống mà ăn đâu có hết, dư khá nhiều. Bỗng một bạn nữ nêu ý kiến, Duy không nhớ rõ là ai nhưng nhiều khả năng sau này bạn đó sẽ rất thành đạt, vì có óc tinh tế – “Hay là tụi mình gom lại cho Dì Năm đi”. Thế là Duy vinh dự được lớp cử đi cho Dì Năm. Dì đang nhặt rác ở gần đó, khom lưng chào xong Duy mới nói “Tụi con cho Năm nè, chúc Năm Trung Thu vui vẻ nha!” Giờ nhớ lại thấy câu đó sao giống giống như câu “sinh nhật vui vẻ nha!”. Dì Năm mới cảm ơn rồi rủ cùng ngồi ăn. Rồi dì hỏi con tên gì, học lớp mấy, nhà con ở đâu, ba má con làm gì,... Một hồi sau, Năm nói về Năm, rằng Năm sống ở trường này lâu rồi, từ hồi đâu năm bảy mươi mấy, từ hồi trường còn là trường Trung Học Bạc Liêu, rằng những giáo viên Năm quen hầu hết đã về hưu hoặc mất, rằng những kỷ niệm của bà với các học trò của trường... Cả hai nói chuyện với nhau và nhìn bâng quơ về những dãy phòng lợp ngói bám đầy rong rêu thời gian, đâu đó tiếng chim hót khe khẽ trên cây phượng giữa sân trường.

#Self

Hồi đó lớp thầy Minh chủ nhiệm, sĩ số là 42 (theo stt mình nhớ của bạn Nghịch Xuân).

Cái lúc ở lại tập nghi thức buổi chiều mới zui làm sao. Bụng thì đói meo mà cứ đi đều bước ½. Tiếu nhất là con Duyên, cái tay “cán vá” duỗi thẳng ra ko dc nên bị loại, hé hé.

Rồi lúc đó chơi chung với thằng Hùng, thằng Giang. Nhớ có bữa phụ đạo quậy phá đánh lộn gì đó 3 đứa bị thầy Minh tán mặt bốp bốp bắt phơi nắng ở ngoài lớp 7/4. Lúc đó dãy phòng “lò bánh mì” chỗ để xe cũ chưa bị đập.

Rồi học thể dục thầy Trí, ngồi chơi nguyên tiết, tội nghiệp bạn Huỳnh đã cố gắng hết sức nhưng vẫn ko nhảy qua xà nổi. Học nhạc thì bạn Tâm zjt mua khoai chiên vô ăn vụng, hehe. Học công nghệ cái lúc nấu ăn, rang đậu gì đấy ngồi phá, ăn vụng trong lúc tụi con gái trong nhóm làm thấy mẹ. Rồi diễn kịch với con Thùy, thằng Tới cho thầy coi tiết sinh hoạt, thú thật kịch bản mình viết lúc đó tệ lắm nhưng thấy thầy với lớp cười vui vẻ là vui rồi, hihi.

Rồi giỡn zui với con Hân, con Hạnh Dung, đố tụi nó về Đôrêmon, Conan, “trăm họ VN”, chọc con Nhung cận có cái bóp Boom Boom Boom. Những bữa cho thằng Vinh giang đi học, những bữa nghe con Nghịch Xuân chửi, những bữa lớp trưởng Trúc Linh rơm rớm nước mắt vì bị thầy cô la, những bữa bị lớp 8 quăng ly nước đá vô ướt tùm lum lớp. Những bữa mưa tầm tã đi tới cầu quay bị ướt nhẹp nhưng vẫn vô lớp tạt nước làm ướt đồ chung mấy thằng bạn...

#Self

Sân cát dài và rộng, nó lọt thỏm ở sau dãy lớp học xam xám thấp tè dọc xuống căn tin. Phía bắc đối diện đường Võ Thị Sáu, là một cái ao – vườn chuối, rác nước đọng tù lầy mọc đầy rau muống. Phía nam là góc chết mọc đầy cỏ, gai dại và vài cây bạch đàn cao ngút ngàn được chắn lại tối thui bởi...chỗ rửa chén của quán da ua kế bên. Bìa phải sân trải dài, cập khu di tích tù Khám Lớn. Xung quanh sân đều có bọc lưới thép, cây rêu trùm kín lên như những ngọn núi xanh biếc ấn tượng. Có vài chỗ lưới cong bị lợi dụng làm “cửa” chui ra ngoài trốn học. Mái hiên của dãy lớp học nhô ra che rất mát. Đây là chỗ ngồi chơi bắn đạn, chọi lon, nhảy dây, phóng cao. Còn đá banh? Có sẵn luôn khung thành bằng cột sắt ở đầu và cuối sân. Mỗi lần đá là phải bỏ giày chạy chân không vì cát quá nhiều. Bụi bay lên mịt mù nhưng vẫn thích đá vì có nhiều “khán giả” đứng ngồi dọc theo mái hiên vừa ăn uống vừa xem. Sân cũng là chỗ đánh lộn của lẫn bọn con tai và con gái.

#Self

Lên lớp 1 phải đi học ở trường xa hơn nữa. Từ Đập Lớn đi bộ lên Cây Dương, chắc là khoảng 2, 3 cây gì đấy. Cũng may hồi đó đường đất nhưng mà dừa nước cây cối um tùm nên rất mát. Lên lớp 1 được mua cho cái bì nilon nhỏ trang trí 101 con chó đóm nè, rồi đôi dép mủ màu trắng in nổi hình máy cày nữa. Cũng lại học khu C nhưng giờ là trường tiểu học Phường 5 khu C. Trường cũng có 2 phòng, 1 phòng cho lớp 2 học buổi sáng, 1 phòng cho lớp 1 học buổi chiều. Phía trước trường là cái ao rêu xanh lè. Phía sau là 1 rừng dừa nước âm u cập sông. Xung quanh có rất nhiều cây dương. Có 1 bà béo bán đồ lặt vặt ngay trước cửa lớp cho đến giờ vô học thì về. Tui thường mua món khoái khẩu là mì trẻ em hoặc thạch dừa 500đ/bịch, ăn hên xui có phiếu trúng 1 bịch, hoặc ngon hơn thì là rau câu chén tự làm của bả. Ăn thì phải có uống, cập mé đường phía trước có cái quán lá bán nước. Cà phê 1000đ (thời 2002), sirô cũng 1000đ, vậy bạn sẽ chọn cái nào? Tui chọn uống cà phê, thế mà có thằng trong lớp ghen ăn tức ở hay sao mà đồn xàm tới tai chị tui: “thằng Duy uống cà phê thiếu”. Bị la, bị đập, bị kéo lỗ tai tới quán hỏi – ông chủ quán tỉnh bơ: “Hổng có, lâu lâu nó mới uống à”. Học nhanh nhất lớp, đánh vần tốt, cộng trừ tốt nên lúc nào cũng được cô cho về sớm hehe.

Lớp 2 – bắt đầu học chung một phòng với tụi nhỏ lớp 1 vì thiếu người dạy. Lâu lâu lại có đứa ị đùn được cô cho về sớm hài vãi. Ra chơi thì bắt đầu trò đá gà, đánh lộn. Lúc đó đường Cây Dương đang làm nên các bé tha hồ leo lên mấy đống đất cao người ta cuốc mà chạy giỡn. Có cha nội Sơn nhỏ con bỏ dép đánh thua tui cuối cùng về để quên đôi dép đổ thừa tui giấu, má nó lại tới nhà hỏi...

Lớp 3, lớp 4, lớp 5 – ra khu A ngoài chợ học. Đôi khi lớp 4 còn được “mượn” xuống học lớp 3 mỗi khi có thanh tra sở về. Học buổi sáng, buổi trưa về đi chơi tới chiều kiểm tra luôn luôn đươc số 10 đẹp đẽ. Lại đi thi HSG vòng tỉnh nữa, nhưng mấy bài bình thường thì giải được, còn bài cao điểm nhất không giải nổi, gạch gạch xoá tùm lum. Sau này mới biết là phương trình bậc 2.

#Self

THCS Võ Thị Sáu -ngôi trường xa lạ mà thậm chí trước đó tôi chưa từng đi qua bao giờ nay là nơi tôi vào học lớp 6. Chẳng quen biết ai, chỉ có dăm ba đứa bạn trường cũ phường 5 cùng thi vào đây.

Mô tả sơ qua trường. Trường xây trên một khu đất hình tam giác, có 5 dãy, chẳng ra một chương pháp nào hết. Bên kia đường là đài phát thanh thị xã, cứ đúng 4 giờ là nghe ra rả tiếng loa thông báo kết quả xổ số kiến thiết. Mưa thì sân trường ngập như cái ao, ngồi trong lớp cũng thấy mát lạnh. Học trò đa dạng, nghèo rớt mồng tơi như tôi cũng có mà nhà giàu xài tiền như nước cũng có. Thầy cô chủ yếu là từ miền Bắc vào năm 75 hoặc mới đi dạy, chỉ có một số ít là dạy trước 75 như thầy Đỗ chẳng hạn. Cũng có dạy thêm nhưng không đi học chẳng bị đì đóm gì hết. Lúc đó còn phòng nhạc riêng, kế bên là nhà thiếc chú Tùng bảo vệ, lớp 6/5 chuyên gia mua nước, khoai lang chiên ở ngoài hàng rào đem giấu vô hộc bàn tranh thủ cháp. Có bữa ngồi sau với thằng Hùng siêu quậy, đang ngồi chơi đợi 5' hết giờ ra về bị nó đẩy đầu lên trước rồi nó kéo áo thể dục con Hà Liên trùm lên. Và kết quả là Hà Liên đỏ mặt la ÁÁÁ, cũng hên là nó hiền nên không bị ăn tát.

Ngày khai giảng tôi được sắp vào lớp 6/5 cô Hương chủ nhiệm. Chưa quen với nề nếp trường mới nên thường bị phạt nằm dài trên bàn đánh. Có duy nhất một đứa bạn cũ học chung lớp thì chưa gì cũng nghĩ học sớm. Chuyện còn nhớ như thế này: Bữa đó chiều lấy xe về tự dưng có thằng lớp 7 nào đấy báo với nhà trường xe con Lina (tên nhỏ bạn) là của nó. Thời đó Martin mới ra chiếc nào cũng giống nhau. Thế là cả xe và người lên văn phòng, mời phụ huynh từ Vĩnh Trạch vô làm việc 2 bên gia đình tới tối. Chả biết giải quyết thế nào mà sáng hôm sau Lina nó nghĩ học luôn. Đến bây giờ mình vẫn tin Lina nó không lấy của thằng kia vì mấy hôm trước đó nó khoe mẹ nó mua cho nó Martin chạy đi học và vì ai đời lấy trộm xe mà còn ở lại chạy vòng vòng trong sân trường đợi bạn về. Giờ cũng 6 năm rồi không gặp...

Lớp 6, lớp 7 cứ thế bình yên trôi qua. Bắt đầu từ lớp 8 trường bị đập dần để xây lại.

Lớp 8 nhớ nhất kỷ niệm bữa đó trường làm lễ gì đó dự là tiết 5 làm xong về luôn. Ai dè mưa tầm tã tới 6h. Từ 4h30 thì các lớp 8/1, 8/2, 8/3, 8/5 và 8/6 của mình kéo hết ra tắm mưa, 2 lớp chọn 8/4, 8/8 ngồi trong lớp nhìn, lớp 8/7 gần văn phòng chạy ra tắm không được ngồi trong lớp hát Bỗng Dưng Muốn Khóc – “đến phút cuối em chợt nhận ra anh”. Tới 6h vừa ướt vừa lạnh vừa đói vẫn phải xách ghế ra ngồi dự lễ. Làm đâu tới gần 8h mới xong, phụ huynh lại trường tìm con em xôn xao còn hơn đi biểu tình.

Lớp 9 thì có trò lâu lâu cái bì của mình bị bay từ lầu 2 xuống do lỡ phạm trọng tội chọc em Trâm Chích Lũng, kakaka.

Giờ muốn quay lại lúc đó quá. Nhớ bà Năm hiền khô, nhớ thầy Thông dạy Sinh cứ vô tiết là “khủng bố” học sinh nhưng chẳng đứa nào ghét thầy, nhớ thầy An nói giọng khó nghe dạy công dân đứa nào nói chuyện là cuốn tròn cuốn tập đánh đầu cái bốp, nhớ thầy Minh “mấy người” chủ nhiệm 2 năm, nhớ thầy Mẫn, cô Hiên, cô Hiển, cô Thu, cô Hoà, thầy Tài, thầy Khôi...

#Self

Đi học ở trường Hướng Dương khu C. Gọi là trường khu C cho oai chứ thật ra chỉ là 2 phòng học sát nhau, nền xi măng, cất kiểu xưa giống như nhà địa chủ thời Pháp. Nhìn giống nhà dân hơn là trường học, có cái bảng nhỏ trên cửa trước để là do vợ chồng sư Tâm Mai xây tặng.

Lúc đó đồ chơi khan hiếm, chủ yếu là do cô đem từ trường khu A ngoài chợ vào. Đó là những chậu hoa, con thú, hàng rào nho nhỏ, hay hộp sữa, hũ thuốc, bao thuốc lá đẹp là tận dụng hết, thậm chí có những gói mì tôm bên trong dồn bông gòn nữa.

Kế bên là nhà bà Mười Nguyên già tóc bạc phơ ở với bác trai bị bệnh gì đó đi đứng rất khó khăn và cô con gái tên Sum chưa chồng. Bà bán bánh kẹo và sirô đá bào co tụi nhỏ giá rất rẻ, khi bán lại hỏi han từng từng đứa hết sức chân tình: “Con thằng 7 Nhiếu đây hen, ba má mày khỏe hông con?”. Cứ ra chơi là tui chạy qua mua đá bào ăn rồi ngồi núp dưới giàn mướp mát rượi đẹp như túp lều người da đỏ của nhà bà, đợi cô ra kiếm rồi đánh yêu mới vô lớp.

Nhớ nhất là buổi học cuối cùng, cô đã dặn từ hôm qua là sáng nghĩ, chiều ra trường ngoài chợ phát thưởng. Đi bộ 1 cây tới lớp mới nhớ, tưởng chẳng gặp ma nào, ai dè gặp chị em con Trúc Linh, Trúc Ly đang ngồi ghế đá trước lớp đợi cô. Mà bật mí cái này hihi, hồi đó cha tui với cha 2 chị em nhỏ có đính ước gì gì đấy, sau này “mai mối” trước cho tui 1 trong 2 chị em. Thú thật là 2 chị em nhỏ nào cũng dễ thương hết. Trúc Linh chị thì cao hơn, dịu dàng hơn, Trúc Ly em thì hơi trẻ con con, tinh quái.

Chiều ra ngoài trường khu A. Chơi cầu tuột, xích đu thỏa thê một hồi rồi thì vô trong phát thưởng. Phần thưởng là bốc thăm đồ chơi ngẫu nhiên. Ông trời thiệt là ác khi mà tui là con trai mà bốc dính con búp bê barbie ốm nhom dài thoàng, còn Trúc Ly thì bốc được cái điện thoại bàn quay nghe reng reng mà tui thích. Đề nghị đổi mà nhỏ hổng chịu, hic. Bữa đó mưa tầm tã tối thui mà nhà lại xa nên chị tui rước về sớm. Lội sình về nhà, tay cầm con búp bê mà lòng thì tiếc rẻ không được ở ăn liên hoan với các bạn.

Giờ đây cái trường mẫu giáo Đập Lớn đó đã trở thành nhà của một chú thương binh.

#Self