Ho Nhat Duy

Self

Nhìn lại thì thấy, năm ngoái viết rất ít.

Nhiều công việc để làm khiến tôi ‘quên’ mất thói quen gõ chữ. Suy nghĩ, ý tưởng thì luôn có đó, nhưng những thứ cơm áo mưu sinh luôn khiến tôi bị đứt mạch cảm xúc. Cũng không thể đổ thừa hết cho công việc; vì nhiều lúc tôi đã viết ra rồi, đột nhiên lý trí tự phản biện rồi tự thấy suy nghĩ của mình sai bét nên xóa hết.

Mà không viết thì cũng làm được kha khá thứ khác:

Năm rồi, xem phim cứ tưởng ít hóa ra lại nhiều, đã vượt qua cột mốc 1,000 phim. Giãn cách ở nhà cũng có ưu điểm của nó.

Năm rồi, đã tạo ra một trang portfolio tuyệt đẹp để lưu lại vài thứ hay ho bản thân làm ra.

Năm rồi, đóng góp cho cộng đồng cũng nhiều hơn các năm trước. Giúp bản địa hóa cho 8 phần mềm. Góp sức cho Wikipedia Tiếng Việt cũng nhiều hơn.

Dù vậy, đối với tôi, viết ra những thứ cho bản thân luôn là điều giá trị. Ví dụ như thi thoảng, trong những đêm dài yên tĩnh, tôi mở trang lưu trữ blog lên đọc lại ngẫu nhiên mấy bài đăng cũ. Có bài gợi nhớ về người xưa buồn ray rứt, có bài ba xàm bá láp đọc cười đứt ruột. Tất cả chúng nhắc cho tôi nhớ rằng – à, cuộc đời mình từng có lúc như vậy.

Tự hứa với bản thân, năm sau sẽ viết nhiều hơn, chỉ vậy thôi.

#Self

Thời tôi còn nhỏ, Trung Thu là một cái dịp mà tôi khoái kinh khủng. Bởi hôm đó là ngày lũ trẻ nhà quê từ đầu trên tới cuối xóm được phép đốt lửa trong nhà. Đã vậy còn có bánh in, bánh pía ăn đã cái miệng.

Không khí “lễ hội” bắt đầu vào trước rằm tháng tám khoảng chục ngày – khi các lớp trong trường được giao nhiệm vụ làm lồng đèn khổng lồ để thi đua lấy thành tích ở Đoàn phường. Tôi lại nhà thằng Kiệt coi cha nó và nó làm lồng đèn ngôi sao khổng lồ cho lớp. Đầu tiên là đi chặt tre. Những cây tre ngâm dưới đìa mấy ngày trước rồi mới đem lên chẻ ra từng thanh dài nhỏ. Các thanh tre đã chẻ ra được ghép lại thành 2 ngôi sao năm cánh, sau đó tiếp tục buộc đầu 2 ngôi sao năm cánh với nhau bằng dây chì. Giấy kiếng màu thì mua ngoài chợ, 3 màu: đỏ, cam, xanh tre. Thằng nào nhà giàu mới dán mỗi cánh sao một màu, còn lại hầu hết nguyên ngôi sao toàn màu đỏ. Đo trước rồi cắt giấy kiếng thành từng miếng theo kích thước, sau đó phết keo dán lên khung ngôi sao. Trong lúc chờ keo khô, chẻ tiếp 5 cây chèn nhỏ; chọn một cây xuyên ruột gà (lò xo) vào để làm giá đỡ đèn cầy. Năm cây đó chỏi vào các góc ngôi sao để lồng đèn phồng lên. Vậy là có một cái lồng đèn ngôi sao khổng lồ để đốt nhà, à đốt trong nhà.

Trong xóm có thằng Ngỗng con bà Bé Hai sở hữu những cái lồng đèn mà nhiều đứa khác thèm muốn. Phía sau nhà nó trúc um tùm nên nó thừa vật liệu để tự chế lồng đèn khổng lồ. Dịp Trung Thu, nhà trước nó chưng nào là lồng đèn tàu thủy khổng lồ, lồng đèn bướm khổng lồ, lồng đèn Tề Thiên khổng lồ. Nó còn có lồng đèn thiếc tạo từ vỏ lon bia cắt miếng ra rồi ép xuống tròn tròn nhìn giống củ sắn.

Rồi ngày đó cũng tới. Sáng thứ Hai chào cờ, những đứa nhà khó khăn được cho lồng đèn ngôi sao và đèn cầy. Những đứa ngồi ở dưới hỏi thăm nhau “Ê mày có lồng đèn chưa”, “Tao tự làm”, “Tao chờ anh tao nhận về chia cho tao”, “Trưa nay về làm”… Tùy vào tấm lòng của mạnh thường quân, có năm tôi có lồng đèn, có năm không. Năm nào không, nhà có cái gì là tôi làm lồng đèn từ cái đó: lon sữa bột, lon sữa bò, lon thuốc tôm, can dầu ăn 5 lít cắt đôi,… chơi hết. Nói làm cho oai chớ chỉ lấy đinh đục lỗ xỏ dây chì qua.

Trời chập tối. Các dĩa bánh in, bánh pía đã được sắp sẵn ra chưng trên bàn Thông Thiên ngoài trời lẫn các bàn thờ khác trong nhà, đi kèm theo với mấy chung trà nhỏ xinh. Giúp người lớn sắp dĩa lên bàn thờ và thắp nhang xong, trò chơi ánh sáng bắt đầu. Tôi đốt đèn cầy trước, xong cúi xuống nhiễu giọt đèn cầy lên cây chèn, rồi nhanh tay ịn đèn cầy vào. Ngọn lửa bùng lên, táp cháy một miếng giấy kiếng. Tôi hớt hãi thổi lửa tắt rồi làm lại. Sau một phút nín thở, cuối cùng thì mấy lồng đèn ngôi sao cũng được thắp lên. Đèn cầy gãy hoặc dư thì đem xếp trái tim trên sàn nhà lung linh như ăn sinh nhật. Lồng đèn xài pin lúc đó là một thứ đồ chơi mắc mỏ, dù phát ra âm thanh nhưng chơi không vui. Ánh sáng đèn LED cũng chói mắt, thua xa ánh sáng lung linh từ đèn cầy. Chơi lồng đèn vui ở chỗ nín thở đốt đèn cầy, sau đó giữ cho đèn cầy không bị tắt hoặc táp cháy lồng đèn.

Nếu mai này Trung Thu, tụi nhỏ không còn được thắp lửa, liệu còn gì vui nữa chớ?!

#Self

Những hành tinh nhỏ

Ngày nhỏ học tiểu học trường làng, có lần chúng tôi cãi nhau đạn làm từ gì. Thằng nói từ miểng, thằng cãi: Ủa đm từ miểng sao mài ra tròn vo được như vậy? Chí chóe cả buổi rốt cuộc chẳng đứa nào biết đạn làm từ gì, mặc dù đứa nào cũng chơi và mê đạn hơn cả điểm 10.

Lẽ dễ hiểu. Thời thiếu thốn, nhiều đứa đi học nhà không cho tiền ăn hàng, mua đồ chơi, những viên đạn trên tay như thứ châu báu tuổi nhỏ. Đấu nhau ăn thua, mua lại từ nhau, nhịn ăn hàng, lượm ve chai, giải bài dùm… để có đạn chơi. Mà muốn có đạn chơi, không phải có tiền mua là có liền. Những tiệm bán đạn ở cách xa tuốt ngoài chợ vài cây số. Thường thì đó là mấy tiệm đồ chơi hoặc mấy tiệm tạp hóa trước cổng trường. Bà chủ tiệm đồ chơi trước trường tiểu học Phường 5 hỏi tôi mua bao nhiêu, hai ngàn phải hôn, mười viên nha... Bà cẩn thận xoay nắp hũ đựng đạn ra, bỏ vào đôi tay đang xòe ra của tôi những viên châu báu lóng lánh.

Muốn có nhiều châu báu mà không cần mua thì phải thi đấu. Tôi và tụi bạn thường kẻ vạch thi đấu trên sân đất. Thằng nào gieo sát dưới vạch kẻ nhất được ưu tiên bắn trước. Thằng nào gieo huốt vạch kẻ bị “ke”, phải chịu bắn sau. Bắn đạn cũng tựa tựa như thụt bida: viên đạn của mình bắn trúng viên đạn đối thủ, mình có quyền lấy viên đạn đó. Nhiều thằng tài năng bắn được kiểu “giựt về”; nghĩa là nếu bắn trúng, viên đạn sẽ xoáy xoáy lui về chứ không văng ra hướng khác. Thằng sở hữu đạn nhiều nhất mà tôi từng thấy, nó chứa đầy đạn trong can dầu ăn năm lít.

Đã có lúc tôi nghĩ mỗi viên đạn là một hành tinh thu nhỏ, vì nó đẹp quá, đủ màu sắc giống hệt như hình minh họa các hành tinh trong sách giáo khoa. Những viên đạn trong suốt thì gọi đạn keo. Những viên đạn có bề mặt lồi lõm thì gọi đạn mè. Những viên đạn chỉ đặc một màu thì gọi đạn sữa. Những viên đạn sữa thường nặng hơn, to hơn và trị giá bằng 2 viên đạn thường.

Không biết với giá 1000đ mười viên hồi ấy, bây giờ người ta có còn sản xuất đạn cho trẻ con chơi hay không. Duy có tôi đây hôm nay nhớ lại, lại thấy mấy thằng nhỏ ngồi tụm đầu ngoài nắng, bàn tay dơ mèm bụi đất, trong túi (hoặc mấy chai nước suối) lấp lánh những hành tinh nhỏ.

(Hình minh họa là hình tìm trên mạng, bởi vì tôi đã không còn giữ viên đạn nào nữa)

#Self

Mùa này Sài Gòn nắng cháy da. Ti-vi phát quảng cáo quạt máy con rể mẹ vợ gì đó với tần suất liên tục. Mấy cửa hàng quạt máy nườm nợp khách. Nhà có điều kiện thì sắm máy lạnh, nhà bèo bèo hơn chí ít cũng phải có quạt máy mới trụ nổi dưới sức nóng khủng khiếp của tháng Tư. Đi tới đâu cũng nghe tiếng quạt gió rào rào. Tiếng quạt máy chạy điện làm tôi nhớ tới một tiếng quạt khác mà tôi đã được nghe suốt thời gian còn nhỏ: Tiếng quạt ao tôm.

Nuôi tôm bán canh hay thâm canh đều bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quạt nước. Đó đơn giản là một trục thẳng nối với trục mô-tơ điện hoặc động cơ dielse, trên trục có lắp khoảng 10-20 cánh quạt. Thường thì một động cơ dielse chạy được 2 trục nhưng có khi người ta cải tiến lắp một thiết bị gọi là “đảo tứ” chạy được 4 trục cùng lúc, giúp tiết kiệm dầu và phủ rộng diện tích ao nhiều hơn. Hệ thống quạt nước tạo dòng chảy, giúp cung cấp nguồn oxy cho tôm, giải phóng các khí độc hại dưới đáy ao.

Đất nhà tôi nuôi tôm nằm trong khu vực chuyên canh tôm rộng hàng trăm hecta thuộc phường 2, phường 5 và phường Nhà Mát thành phố Bạc Liêu. Mỗi chủ hộ quản lý từ 2-5 ao trong số hàng trăm ao san sát nhau. Cứ sau khi cho ăn vài tiếng là tiếng quạt nước lại rộ lên cả một vùng. Tiếng máy nổ ụt ịch và tiếng quạt lạo xạo mặt nước nghe buồn lắm. Nó lọt thõm giữa một vùng mênh mông nước nhưng hiếm có cây cối; chỉ có trâm bầu, sâu lức cùng cỏ nước mặn là nhiều. Đi chút lát mới gặp một chòi canh lợp lá dừa nước mát rượi. Có thể nói, nơi đây yên lặng tuyệt đối. Ngoài tiếng gió, chỉ có tiếng quạt nước là âm thanh có thể nghe được hàng ngày. Đêm còn buồn hơn nữa, bầu trời đầy sao nhưng tối đen. Không thể thấy gì ngoài mặt nước lóng lánh và những cánh quạt xoay đều dưới ánh trăng. Mãi sau này người ta mới kéo bóng đèn néon ra ao tôm để coi chừng những kẻ chài trộm. Ban đêm mà nghe tiếng quạt nước ao nào chạy tới sáng thì biết chắc là tôm ao đó bị bệnh. Tiếng quạt ao tôm là thứ không tên gần gũi người nuôi tôm ngày qua ngày.

Nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua. Bây giờ giá tôm rớt thảm hại chỉ còn bằng ⅓, lại thêm dịch bệnh hoành hành khiến dân quê tôi dần nghỉ nuôi. Nhà tôi cũng đã bỏ trống ao từ mấy năm. Mấy lão nông ai cũng mơ sẽ có ngày nhà nước quy hoạch, đất của mình đem đổi lấy một cọc tiền thiệt dầy để cất nhà lầu máy lạnh như Sài Gòn. Rồi tiếng quạt máy sẽ thay thế tiếng quạt ao tôm. Mát hơn, êm hơn nhưng chắc sẽ buồn hơn.

#Self

Nơi lưu giữ nhiều nhất những bức tranh mình vẽ chỉ là có thể là trong sách vở thời đi học.

Dù là sách giáo khoa, vở bài tập, vở nháp hay thậm chí là sổ theo dõi tiết học thì ít nhiều cũng có vài tác phẩm nghệ thuật của mình trong đó. Lật mấy trang cuốn sách giáo khoa ra thế nào cũng có hình yêu tinh, rồng, hiệp sĩ, bông hoa, kiếm súng… Thường thì các trang trong sẽ vẽ những thứ nho nhỏ còn nếu vẽ có bố cục bối cảnh đàng hoàng sẽ cho vào trang cuối. Như bức này đây tạm gọi là “Demon Combat” lấy ý tưởng từ… Thánh Gióng và Ngưu Ma Vương. Vẽ mấy bụi tre thế nào lại ra giống lá cải. Còn mấy con gà con lại giống quả cà chua. Nhiều lúc vẽ cái này lại giống cái khác, thành ra cái gì cũng nghĩ ra được. Óc thẩm mỹ với sự nhảm nhí có thể nói là trường tồn.

Vậy mà không được làm Art Director uổng dễ sợ.

#Self

Lúc mới bắt đầu tập chụp ảnh, tôi rất thích dùng bộ lọc màu của các app chỉnh sửa hình ảnh. Vì đẹp mắt mà! Bộ lọc màu giống như một bửu bối thần kỳ giúp cho thứ được chụp trở nên đẹp đẽ hơn, hào nhoáng hơn, chuyên nghiệp hơn.

Nếu chụp cô bạn đang đứng trước một cái cây, tôi sẽ dùng bộ lọc màu “Autumn” – điều đó có nghĩa là cả tấm hình sẽ mang tông vàng rực rỡ nồng ấm. Những chiếc lá rực sáng màu nắng thu, mái tóc và rìa áo quần cũng bừng lên ánh chiều tà. Đơn giản hơn thì xếp chồng hiệu ứng Lens Flare để làm ảnh giống như bị dính tia nắng chói chang. Chán nắng thì dùng bộ lọc “Wanderlust” để xung quanh chủ thể có một lớp sương mờ ảo cũng được.

Hoặc nếu muốn ảnh mang vẻ hoài niệm một chút thì dùng bộ lọc “Nostalgia”. Ôi thôi có đủ hết từ màu đen trắng cho tới màu giấy ố vàng. Người xem ảnh có thể hiểu ngầm rằng tấm ảnh này kỷ niệm một dịp đặc biệt hoặc đã chụp lâu rồi. Hiệu ứng thị giác là một thứ mà bất kỳ nhiếp ảnh gia hay họa sĩ nào cũng đều muốn hướng tới.

Rồi có một ngày xem lại mấy tấm ảnh chụp thời 2014 – 2016, tôi chợt thấy có gì đó không ổn: Nó không thực.

Làm gì có việc ngồi trong nhà kín mà lại có màu hoàng hôn lung linh ảo diệu. Ê cái quần này, bông hoa này nhớ lúc đó màu tím mà, sao giờ thành màu hồng? Rồi do chỉnh sửa ánh sáng quá đà, những chi tiết nhỏ bị vỡ nét và chói lòa, không còn nhìn thấy rõ nữa.

Tôi bắt đầu nhận ra rằng hình thật, màu sắc thật sẽ lưu giữ được nhiều ký ức hơn. Những màu sắc nguyên si gợi lại cho tôi cái khung cảnh đúng y như lúc tôi giơ máy lên chụp. Những tấm ảnh của tôi dần đẹp hơn, tự nhiên hơn, có hồn hơn.

Giờ thì rất hiếm khi tôi dùng những bộ lọc màu nữa. Chỉ khi bức ảnh quá sáng/tối hay bị nhòe thì mới chỉnh sửa lại nhằm cứu vớt.

Phụ nữ không trang điểm mà vẫn đẹp thì đó là nét đẹp thật sự. Nghệ thuật cũng vậy thôi.

#Self

Nhỏ bạn les nói ê tao thấy mày vẽ cũng đẹp sao không học design đi. Tôi cười hề hề trả lời nó: Tao vẽ đẹp tao biết mà.

Thiệt. Hồi học tiểu học, vở tập vẽ bài nào cũng A+. Bữa cuối năm lớp 3 chơi trò đếm cả lớp ai nhiều điểm A+, tôi nhớ tôi cầm trùm với 37 điểm A+ và duy nhất 1 điểm A, hình như là do vẽ theo mẫu cái lọ hoa và trái cây hơi méo là tô lem. Mà lúc nhỏ bảo thủ lắm, tô màu nào là phải theo đúng thực tế mới chịu. Ví dụ như thân cây phải màu nâu, lá cây phải màu xanh lá cây, nước biển phải màu xanh dương, mặt trời phải màu vàng, (trong khi mấy đứa khác toàn tô màu đỏ)… Bây giờ thì vẽ tùy hứng tô tùy hứng, người da cam tóc hồng, móng tay xanh luôn hổng chừng. Một thời nổi tiếng tới mức có đứa nhờ vẽ dùm trả tiền.

Mặc dù vậy nhưng chưa bao giờ tôi có ước mơ làm họa sĩ, đơn giản tại vẽ tốn thời gian thấy bà. Toàn vẽ nét 2D xong rồi bỏ đó, hứng lên thì lấy màu tô chứ chẳng bao giờ vẽ đổ bóng 3D như mấy đứa rãnh hơi khác. Rồi đi làm content. Thấy các đồng đội designer ai cũng đeo mắt kính dày cộm mà ngồi một chỗ dí mắt vô màn hình máy tính chà bá cả ngày, bụng ai nấy cũng đầy mỡ thừa mà sợ. Vẽ chơi thôi chứ làm nghề kiếm cơm thì không được. Chính xác hơn là không nổi.

Tác phẩm này vừa lục ra trong tủ. Vẽ năm lớp 9, được 10 điểm. Phía sau đề tên Phong cảnh Texas. Lúc đó có biết gì đâu. Cứ tưởng tượng Texas là có cao bồi, có ngựa, có lữ quán “Hotel California” và có casino để đánh bài. Vậy mà cũng vẽ ra được trong vòng 45 phút.

Tôi nhận ra tôi vẫn có tố chất làm art, nhưng không phải vẽ mà là viết.

#Self

Sáng có thói quen hay mua một ly cà phê sữa đem vào góc làm việc uống. Nơi mua cà phê là cây cột điện trước tòa nhà, nơi có một chiếc xe đẩy nhỏ nhỏ xinh xinh, cỡ bằng chiếc tủ lạnh mini. Cô gái đứng bán rất tươi tắn mặc dù chẳng thoa son trang điểm. Điều khiến tui thích là cà phê take away xe đẩy nhưng rất chuyên nghiệp. Xe cắm nguyên cây chong chóng 4 màu to như cái nón lá. Trên ly nhựa có in tên bổn hiệu (tên cô ấy, tui nghĩ vậy), địa chỉ, sđt. Thái độ phục vụ thì quá tốt. Có bữa chán cà phê mua đá chanh chỗ khác, đi ngang cổ vẫn tươi cười gật đầu chào buổi sáng vui vẻ. Cà phê đen 10 đồng, cà phê sữa 12 đồng, cứ vậy mà tính tới.

Sáng nay đang mua thì giật mình khi nghe cô gái ấy hỏi một ông Tây đi ngang qua bằng một giọng tiếng Anh nhấn nhá rất chuẩn “Good morning Sir! Wanna some taste of coffee?” Thấy tui há hốc, cô ấy quay qua giải thích luôn “Em đang học đại học, bán kiếm tiền trang trải thêm thôi anh. Bán cái này đỡ cực hơn đi bán hàng hay làm phục vụ mà lại kiếm được nhiều tiền nữa. Mỗi ngày chỉ có bán một buổi sáng. Không kẹt lịch học.”

Bài học rút ra: Muốn kiếm tiền đủ sống ở Sài Gòn này cũng không quá khó, chỉ cần có chút đỉnh vốn và một cái đầu. Quan trọng là một cái đầu.

#Self

Từ lúc lấy bằng tốt nghiệp cấp 2 thì chẳng bao giờ anh trở lại trường Võ Thị Sáu nữa. Chiều ăn nem nướng ở quán Băng Tâm nổi tiếng đối diện mới chợt nhận ra trường thay đổi quá chừng. Đập ngay vào mắt anh khi nhìn qua bên kia trường cũ là dãy phòng học 2 tầng kế bia Khám Lớn đã bị đập mất dãy hành lang phía sau. Năm lớp 9 cũng là năm mới xây xong cái dãy tầng lầu khang trang đầu tiên. Dù trường đã phòng ngừa bằng cách đóng đinh, cột dây chì cửa (mỗi lớp đều có một cửa thông ra ở cuối lớp) nhưng tụi ôn vẫn có cách mở ra được hết. Tụi nó ra đó đứng hóng mát, ăn cơm, hút thuốc, đánh bài, hôn hít đủ kiểu. Thế nào mà bây giờ lại chỉ còn cửa số thế kia? Chẳng còn tý dấu vết nào cho thấy từng có một-cái-hành-lang-ở-phía-sau.

Từ quán nem nướng nhìn qua thì chỉ thấy có cái dãy đó nên thôi anh nhìn ra trước cổng trường. Vỉa hè mở rộng đến không tưởng. Đang giờ tan trường nên bọn nhóc tủa ra như vỡ tổ kiến. Một dọc xe hơi láng cóng đậu dọc theo lề, 4 hay 5 chiếc gì đấy, chờ rước mấy hoàng tử, công chúa quý tộc. Nhớ mấy đứa học chung thời đó, cả khoá 2007 – 2011 toàn dân con nhà lao động, dân xóm Huế nghèo, có chai nước ngọt 5 ngàn cũng hùn tiền nhau mua 2 tẩy uống mà anh tủi muốn khóc, nhưng vẫn cố ăn tiếp nửa cây nem nướng còn lại.

Rồi cũng tới lúc kêu tính tiền. Và quỷ thần ơi, bà chủ quán nem nướng Băng Tâm nổi tiếng chính là cô giữ xe lúc trước! Nói thêm, cái quán Băng Tâm này lúc trước học chưa có luôn. Đối diện trường, bên kia đường, anh nhớ rất rõ chỉ có một tiệm bán đồ thể thao Phước, kế bên là một quán nước, kế bên là 2 tiệm bán rượu, bánh kẹo, nước ngọt và cuối cùng là một tiệm cho mướn truyện tranh nhỏ xíu. Mấy tiệm kia thì còn nhưng tiệm cho mướn truyện nó đâu rồi.

Cô nhớ con hông?Nhớ chớ, con là cái thằng nhà xa hay đi học trễ đây mà.

Chẳng biết nói gì hơn, anh cười như mếu đưa cổ ba mươi sáu ngàn rồi lại lấy xe đi về, tưởng như anh là kẻ tội đồ mười năm trước.

#Self

Nhà thằng bạn theo đạo đã làm xong hang đá và máng cỏ. Họ lấy một tấm bạt xám xịt trùm lên đống gạch đã sắp xếp sẵn rồi đặt vào những bức tượng nhỏ xíu xinh xắn dường như không thiếu món nào – tượng mẹ Maria, Giu-se, Chúa Hài Đồng, thiên sứ, mục đồng, bò, lừa, ngôi sao dẫn đường và viền thêm mấy dây đèn LED. Ngồi im nhìn ánh sáng lấp lánh chớp tắt, dòng chảy ký ức khi xưa của tôi lại tràn về…

Còn nhớ năm đó, nhà thờ Đức mẹ hồn xác lên trời ở phường 1 chưa xây. Tất cả mọi hoạt động đều dồn về nhà thờ duy nhất ở phường 2. Ngay từ chiều, những người bán dạo đã xuất hiện trước cổng nhà thờ. Họ bán cơ man đủ thứ, từ bộ đồ ông già noel cho con nít, đồ chơi, đĩa nhạc, cho tới bắp nướng, đậu phộng luộc, nước ngọt. Tới hơn 6 giờ thì lượng người đổ ra đường bắt đầu đông nghịt. Kẹt xe từ bên kia cầu Quay phường 3 cho tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ phường 2, dòng người nối tiếp chen chúc nhau cho tới tận cầu số 3 ở phường 5. Mấy quán cà phê ghế xếp đối diện nhà thờ phát mấy bài nhạc vàng bất hủ mà tới bây giờ tôi còn thuộc lời như Bài Thánh Ca Buồn, Hai Mùa Noel, Dư Âm Mùa Giáng Sinh, Lá Thư Trần Thế. Còn mấy xe bán bong bóng, đồ chơi thì chơi băng nhạc trẻ sôi động hơn một tý để hút khách nhí: Jingle Bells, We Wish You a Merry Christmas, Last Christmas… cứ thế phát ra rả. Tụi con nít hát nhại theo “Chiên con beo, chiên con beo, chiên cái đùi con beo…” Ganh tị mà nói, những đứa trẻ theo đạo một năm được chơi Trung Thu hai lần, lần thứ hai chính là lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, theo đạo thì phải đeo khăn quàng theo cha mẹ vào giáo đường làm lễ tới nửa đêm. Những đứa không có đạo thì tự do hơn, chen chúc chạy giỡn trong đám đông người đi lễ chẳng cần giữ phép tắc gì ráo. Tối nay, vợ chồng chú Đương mua ve chai cũng dắt hai thằng con đi chơi. Cả gia đình bốn người đang đứng đợi mua nước mía trong khi thằng nhỏ nhất cầm hộp sữa hút rột rột thấy thương. Hồi đó, chẳng mấy khi tụi nhỏ con nhà nghèo như nó và tôi được uống sữa. Bây giờ nhìn những đứa trẻ mới 3, 4 tuổi đã bị cha mẹ ép uống sữa tới béo phì, tôi thấy đáng thương hơn.

Ngắm hoa đèn lộng lẫy hoài cũng chán, tôi đi bộ về nhà, xóm lao động nghèo vẫn như mọi ngày. Không một ánh đèn đường. Cái nhà theo đạo thường thường ngủ sớm, tối nay mở đèn sáng trưng. Cả nhà họ đang ngồi ăn gì đó xì xụp, chắc là cháo gà? Những nhà còn lại thì đóng cửa kín mít xem thời sự hay nhậu nhẹt ồn ào. Dù vậy, tới 9 giờ thì nhà nào cũng đều tắt đèn ngủ hết. Leo lên giường đắp mền rồi mà tôi còn suy nghĩ mông lung: Có khi nào sáng mai bước xuống giường, ông già Noel cho mình một món đồ chơi không ta? Giấc ngủ kéo niềm hi vọng theo vào trong mơ. Sáng hôm sau, tất nhiên là chẳng có món quà nào. Vẫn phải đi bộ tới trường. Vẫn phải nói dóc với tụi bạn là hôm qua cha mẹ tao dẫn đi chơi vui lắm, được mua cho đồ chơi nữa.

Ký ức về Giáng Sinh lúc nhỏ của tôi chỉ có như vậy đó.

#Self