Ho Nhat Duy

Thoughts

Phụ nữ và việc chọn chồng nó cũng giống như chọn sách đọc vậy đó. Sách trên thị trường nhiều vô kể, muốn đọc thử hết thì tốn thời gian lắm, cho nên chỉ đọc những cuốn nào mình thấy tâm đắc nhất mà thôi. Không phải sách nào cũng y chang nhau đâu. Có cuốn hình thức bên ngoài bóng bẩy, sang chảnh mà nội dung thì nhảm nhí, vô bổ. Ngược lại, cũng có cuốn bìa mỏng lét, in giấy đen thui, mà bên trong toàn thứ hay ho, bổ ích. Trường hợp này chắc là do tác giả không có nhiều tiền để in sách :p

Mua được cuốn thích nhất rồi thì sao nhỉ? Thì đọc và tận hưởng từ từ thôi. Nếu thật sự thích thì giữ gìn cho kỹ – bấm bìa, bao giấy kiếng lại nhưng đừng làm quá lố khiến cuốn sách mất hình thức ban đầu vốn có của nó. Và quan trọng nhất là: KHÔNG CHO BẤT CỨ AI MƯỢN.

P/S: Nếu là một cuốn sách, tui sẽ là cuốn Hơn Nửa Đời Hư của Vương Hồng Sển hahaha

#Thoughts

Mỳ trẻ em – một bịch 250đ, ngọt ngọt mà giòn miệng. Cái bao bì của mỳ trẻ em trải qua mười mấy năm vẫn như vậy, vẫn là hình Nobita lạc tới xứ quỷ với màu vàng màu hồng bắt mắt.

Nhưng huyền thoại mới là mỳ giấy Vị Hương, hơn mấy chục năm vẫn sử dụng bao bì bằng giấy có hướng dẫn sử dụng chữ Hoa chữ Việt, có hình cái nồi lẩu màu đỏ bốc khói. Sợi mỳ thì chẳng có gì đặc biệt, đã vậy chỉ có một gói bột nêm chút xíu làm từ bao bì dư của các sản phẩm khác của công ty. Nước súp vàng tươi, trong như màu nước trà. Mỳ này chủ yếu được các tiệm hủ tíu mua làm mỳ trụng vì giá rẻ nhất trong các loại mỳ. Cái bao bì giấy sau khi xé còn được tận dụng để đựng khoai chiên. Ăn xong mà thấy đầu lưỡi đọng một lớp bột thì chắc chắn đó là mỳ giấy Vị Hương.

Những buổi sáng đi học, ăn mỳ Mum Mum, “Mum Mum giòn dai vợ ơi em nấu”. Hoặc thích hơn là ăn mỳ bò rau thơm Unit của công ty Uni. Mỳ này sợi mỳ thơm mùi bắp, bột nêm nhiều hành lá, nước súp thơm lừng. Ăn sống không biết chán.

Mỳ tôm chua cay Nam Bộ của công ty Asian Foods. Nước súp đúng điệu thật là ngon, y chang mùi canh chua tôm mẹ tôi nấu, không như mùi chua lè cay sa tế vô hồn của các mỳ khác. Bao bì màu vàng tươi, có minh họa anh Hai Lúa cầm gói mỳ. Cái mùi mỳ tôm chua cay Nam Bộ ăn với dàu cháo quẩy ngon lắm, tiếc là chỉ một thời gian sau, mỳ này không còn được sản xuất nữa.

Một loại mỳ đặc biệt nữa là mỳ chay. Mỳ chay Lá Đa, mỳ chay Gomex, mỳ chay Go Go... Tất cả đều lấy màu xanh lá tre làm màu bao bì. Tuyệt nhiên không thấy con tôm, miếng thịt nào trên bao bì như các loại mỳ khác. Thay vào đó là nấm đông cô, cà rốt, rau tươi...

#Thoughts

Ma có thật không?

Với góc nhìn riêng về điều này, tôi nghĩ là có. Theo tôi, bản thể con người gồm có hai phần: thể xáclinh hồn. Ma ở đây chính là những linh hồn – một dạng vật chất cấu tạo từ những hạt còn nhỏ hơn hạt proton của nguyên tử. Điều này lý giải tại sao chúng ta hiếm khi thấy được ma bằng mắt thường. Thêm vào đó, nó cũng giải thích được việc tại sao ma thường được mô tả là “lơ lửng trong không trung”. Ma không bay như chim, ma chỉ có thể tự nó di chuyển hoặc nhờ gió thổi đi. Do đó, cũng không thể chạm được ma.

Ma đi đâu về đâu? Giả dụ nếu bạn là một linh hồn. Bạn vừa được giải phóng khỏi thân xác tầm thường. Bạn hoàn toàn tự do đúng nghĩa. Thì bạn sẽ làm gì? Chắc là phải phiêu du khắp nơi cho thoả rồi. Có một giả thiết khác, đó là linh hồn sau khi tự do sẽ đi đầu thai, điều này được đề cập trong hầu hết các tôn giáo, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Giả thuyết này cũng có thể đúng, theo điều tra khoa học hẳn hoi thì tất cả những người trong trạng thái “trở về từ cõi chết” (tức là đã hấp hối hôn mê sâu nhưng sau đó sống lại) đều nói rằng họ thấy họ bay qua một đường hầm hình ống, cuối đường là một thứ ánh sáng chói loá. Có khi nào đó là khi người chết lặp lại một chu kỳ sống mới? (cụ thể là khi chết sẽ đầu thai đúng lúc người mẹ đẻ ra đứa trẻ).

Lên đồng, cầu cơ, cầu hồn, ma lon, ma sói – tôi nghĩ nó thuộc về hiện tượng tâm lý nhiều hơn là hiện tượng tâm linh. Khoa học nghiêm túc đã chứng minh: con người ai cũng có một khả năng tiềm ẩn đó là dịch chuyển đồ vật bằng sức mạnh tư tưởng (telekinesis), khả năng này mạnh yếu hay không có tuỳ theo từng người. Trên thế giới đã phát hiện nhiều trường hợp tiêu biểu như Nina Kulagina (Nga), Miroslaw (Phần Lan), Trương Thị Thùy Linh (Việt Nam). Tôi nghĩ ma sẽ không rảnh mà ai gọi thì xuất hiện cho xem, rồi nhập vào đồng xu gì đó vớ vẩn. Có chăng là trong nhóm chơi ma lon hoặc ma sói, có một đứa nào đó có sức mạnh tư tưởng lớn cộng với trạng thái tâm lý tập trung đạt tới “điểm cực đại” mà làm đồng xu dịch chuyển thôi. Tôi cũng cho rằng, trong việc cầu hồn, pháp sư là người có sức mạnh tư tưởng cực kỳ mạnh, như một cây ăn ten bắt được “sóng” suy nghĩ của người thân đang nghĩ về người đã khuất nên nói đúng hết thông tin về người đã khuất.

Hiện tượng tâm linh, nếu có thể thì người ta nên nghiên cứu nghiêm túc. Tất cả vẫn chỉ là giả thuyết của tôi, tôi chưa từng gặp ma bao giờ, dù lúc nhỏ rất sợ ma. Năm chục năm, sáu chục năm nữa có lẽ tôi sẽ biết chắc chắn là có ma hay không, ấy là khi tôi chết. Mà chuyện đó thì xa xa lắm.

#Thoughts