Ho Nhat Duy

Technology

2004–2007: Thành lập

Giai đoạn mới thành lập. Chỉ chấp nhận thành viên là học sinh, sinh viên các trường nhất định của Mỹ.

2008–2009: Phát triển

Cho phép đăng ký người dùng tự do. Lên app mobile (cùng lúc khi iPhone ra đời). Giới thiệu New Feeds.

2010–2012: Hoàn thiện

Bứt phá thị phần toàn cầu sau khi MySpace “chết”. Giao diện cải tiến dễ dùng hơn. Thêm nhiều ngôn ngữ.

2013–2014: Thời hoàng kim

Số lượng active users đỉnh cao. Hầu hết chức năng đã hoàn thiện vào thời gian này.

2015–2018: Xuống dốc

Bắt đầu hái ra tiền từ việc sử dụng trái phép dữ liệu người dùng. Thêm vào hàng loạt tính năng không cần thiết gây load lâu (nhằm thu thập dữ liệu). Bùng nổ fake news. Hiển thị những thứ người dùng không muốn xem. Ép người dùng phải dùng riêng Messenger.

2019 trở đi: Suy tàn

Fake news, quảng cáo không còn có thể kiểm soát. Các nhà quảng cáo lớn rời bỏ nền tảng. 2.8 triệu người dùng dưới 25 tuổi (Mỹ) rời bỏ Facebook trong năm 2017. Hàng loạt scandal lớn xảy ra tiếp theo trong năm 2018. Kỷ nguyên của Facebook chấm dứt kể từ 2018.

#Technology

Mỗi mạng xã hội đều có những vấn đề của nó. Nhưng Tumblr không phải là con quỷ nuốt lấy linh hồn của người dùng, chính điều này giúp Tumblr trở thành mạng xã hội tốt nhất.

Điều chắc chắn Tumblr không làm đó là có một hệ thống quảng cáo tinh vi kiếm hàng tỷ đô la từ hành vi người dùng. Tumblr không bị biến chất như Facebook, Twitter, Instagram; không ai trả tiền để mô hình kinh doanh của họ được nhiều reblog trên Tumblr trong khi điều này đang xảy ra quá đỗi bình thường ở Facebook.

Đội ngũ kỹ sư Tumblr không giúp chính phủ khai thác danh tính người dùng với machine learning. Tumblr không kiếm tiền từ việc bán thông tin cá nhân của bạn bởi vì Tumblr không thu thập thông tin người dùng càng nhiều càng tốt như những mạng xã hội khác.

Tumblr không sử dụng thuật toán. Nếu bạn theo dõi ai đó, Tumblr hiện những bài đăng của họ theo thứ tự thời gian. Nó không ưu tiên đưa những người nổi tiếng, những tin tức giật gân, câu view lên hàng đầu như Facebook.

Những mạng xã hội khác đang làm con người ngày càng xấu xí đi, gây nghiện, và chỉ dùng để gia tăng sự ảnh hưởng. Tumblr không quá tuyệt vời, nhưng nó là một trong những nơi hiếm hoi chúng ta được là chính chúng ta.

Một tượng đài vĩ đại của internet.

#Technology #Privacy

Mạng xã hội Facebook thực chất là một hệ thống phân phối hàng hóa tinh vi, với những nội dung được tạo nên do người dùng là sản phẩm. Chúng ta cảm thấy bức rứt khi không có sự công nhận ảo (lượt like, theo dõi, bình luận…) của người khác. Những thứ kể trên chính là “đơn vị tiền tệ”, còn “like” không khác gì ma túy.

#Technology

Một thế hệ bị tẩy não bởi những chương trình truyền hình chiếu miễn phí trên Youtube.

…Những chương trình chọc cười thô thiển bằng giới tính, hình thể của người khác với giải thưởng lên đến trăm triệu đồng. Những chương trình nấu ăn nơi đầu bếp nấu ăn ít mà lăn lộn giỡn hớt trên sàn thì nhiều. Những bộ phim truyền hình với kịch bản hời hợt, diễn xuất kiểu trả bài và nội dung chài mồi đê tiện kiểu “mẹ chồng nàng dâu”.

Ngạc nhiên chưa? Chúng thản nhiên tung hô một tên hề là “Thánh” chỉ vì gã có khả năng chửi tục theo vần trên một chương trình chọc cười rẻ tiền.

Chúng cũng ngây thơ tin tưởng vào chương trình hẹn hò mà nào biết chương trình đã được dàn dựng, cắt xén tinh vi theo ý đồ của giám đốc sản xuất. Wow! Những mối tình đẹp đẽ với những nhân vật chính được trả cachet diễn để khán giả thèm thuồng mà tham gia. Những lời “từ chính đáy lòng anh/em” đã được biên kịch soạn ra trước đưa học thuộc.

Chương trình tìm kiếm thần tượng ca nhạc thì sao? Cô quán quân mùa này nắm chắc phần thắng vì đã đi nhậu máy lạnh với tổng giám đốc sản xuất. Khán giả la ó thì kệ khán giả. Giải thưởng của tụi tao bỏ tiền túi ra trao thì tụi tao có quyền!

Còn có mấy cuộc thi ăn theo bolero nữa. Cô MC gây xúc động bằng cách đọc thật chậm từng chữ từng chữ giới thiệu. Trang điểm thì đọc là “điểm trang” để cho sang miệng. Tên chương trình là bolero mà chèn đủ thứ nhạc khác vào và gọi đó là “sáng tạo”, “phát triển”, “làm mới”. Hòa âm thì y như hát đám cưới – chỉ cần vui là được. Vui là được.

Và còn…

#Technology

Trong cái thời buổi mà:

  • Facebook mua likes được
  • Instagram mua followers được
  • Youtube mua subs được
  • Wordpress mua SEO được

…thì Tumblr vẫn là một nơi THẬT nhất.

#Technology

Số lượt like trên mạng xã hội là một con số không bao giờ kết thúc. Do vậy, nếu bạn cứ lệ thuộc vào chúng để tìm kiếm sự chú ý/thương hại thì tâm trí bạn chắc chắn sẽ không bao giờ được bình yên.

#Technology

Hiếm có phát minh nào gây sức ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ của nhân loại với công nghệ như những thông báo. Trước đây, hầu hết chúng ta do dự khi quyết định muốn sử dụng và giao tiếp với công nghệ. Vậy mà hiện tại, công nghệ gần như đang chi phối sự quyết định của chúng ta.

Có thể bạn đổ lỗi cho công nghệ, nhưng cần phải lưu ý ngay rằng công nghệ không phải là mấu chốt của vấn đề — mà là ở cái cách chúng ta sử dụng nó. Suy cho cùng, không phải tất cả các loại thông báo đều đã được tạo ra như nhau. Để hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa từ tiện dụng cho tới phiền phức này, chúng ta cần nhìn lại quá khứ của nó.


Vào năm 1971, kỹ sư máy tính Raymond Tomlinson ở tiểu bang Massachusetts đảm trách một công việc khó nhằn mà sau sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho nền văn hóa kỹ thuật số. Trong khi làm việc cho dự án ARPANET, tức là phiên bản đầu tiên của internet được tài trợ nghiên cứu bởi chính phủ Hoa Kỳ, Raymond Tomlinson tìm ra một phương thức giúp những người sử dụng internet gửi tin nhắn cho nhau. Trước khi có sáng kiến của anh, tin nhắn chỉ có thể gửi từ những người có tài khoản trên cùng một máy tính. Tất cả đã thay đổi khi Raymond Tomlinson bổ sung ký tự @ huyền thoại. Sự sáng tạo tinh tế này cho phép phân biệt danh tính người nhận tin nhắn dù nhiều người cùng sử dụng chung một máy tính.

Một trong những người đầu tiên sử dụng hệ thống mới này đã mô tả nó như một “cú hack tuyệt đỉnh”. Cú hack tuyệt đỉnh đã khiến email chiếm tới 75% lưu lượng internet những ngày sơ khai đó.

Email thống trị dẫn tới sự ra đời Giao thức truyền thư đơn giản (SMTP), thứ mà nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho việc gửi và nhận email. Đáng kinh ngạc là SMTP có thể thông báo ngay khi có ai đó gửi thư cho bạn. Tuy nhiên, hiếm người dùng tính năng này bởi vì đâu ai trực tuyến suốt vào thời điểm đó.

Cho tới khi những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên bán ra thị trường.

Năm 2003, RIM trở thành công ty đầu tiên thương mại hóa thành công thông báo đẩy (push notification) trong sản phẩm dành cho người dùng cuối của mình. Đó chính là chiếc điện thoại BlackBerry huyền thoại, thế hệ điện thoại thông minh đầu tiên với khả năng lập tức thông báo cho người dùng khi họ nhận được email mới. Đây là tính năng hữu ích khiến giới doanh nhân cực kỳ ưa chuộng điện thoại BlackBerry.

Các công ty đối thủ của RIM nhanh chóng nhận ra sức hút ghê gớm của kiểu thông báo đẩy này trong việc tạo ra một thiết bị mà con người không thể tách rời.

Năm 2008, sau khi tham khảo ý kiến từ cộng đồng phát triển, Apple tung ra tính năng tương tự dưới tên là Dịch vụ thông báo đẩy của Apple (APNS). Đây là mảnh ghép quan trọng nhất đã thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ điều hành di động kể từ khi iPhone ra đời.

Những thông báo đẩy trở thành phần không thể tách rời của điện thoại thông minh. Biểu tượng cái chuông xuất hiện ở khắp nơi: từ hệ điều hành cho tới ứng dụng, và tất nhiên cả trên các trang web.

Qua thời gian, biểu tượng cái chuông dần được dùng để truyền tải ý nghĩa đơn giản: Có một thứ gì đó mới cho bạn.

Khái niệm “mới” ở trên tương tự như một thứ cocktail gây nghiện trong lịch sử làng công nghệ. Không mấy ngạc nhiên khi người dùng cực thích tính năng này.

Mọi người chìm vào dòng chảy vô tận của thông tin.

Ngày nay, rất nhiều trang web yêu cầu chúng ta cho quyền “quấy phá” chính chúng ta với nội dung từ họ. Số lượng thông tin khổng lồ tiếp nhận hằng ngày đầy choáng ngợp lẫn thất vọng. Nhưng đó không phải là lỗi của những công ty đã tạo ra thông báo đẩy. Người ta có quyền nói không cơ mà.

Chưa hết, một kiểu thông báo mới lại gia nhập cuộc chơi.

Khi chiến trường tranh giành sự chú ý trở nên khốc liệt, những ông lớn bắt đầu áp dụng chiến thuật nhằm tăng sự thu hút cho nền tảng của họ. Loại thông báo này rất phi lý, tôi cho rằng đó không phải là thông báo vì chúng vô nghĩa và không liên quan tới bạn. Còn nhớ khi Facebook thông báo bạn của bạn vừa đạt 200,000 điểm trên Candy Crush hoặc bạn của bạn vừa like hình thần tượng của họ chứ? Hỏi thật ai quan tâm?

Cái chuông đưa chúng ta vào một vòng lặp không lối thoát.

Thông báo đã và đang trở thành cái móc tinh vi níu kéo chúng ta. Giới thiết kế và phát triển sản phẩm được dạy để tạo ra những sản phẩm gây nghiện trong khi nhiều nhà hoạt động đang kiên trì đấu tranh với các công ty rằng nên tạo ra những sản phẩm tôn trọng thời gian của nhân loại.

Ánh sáng hi vọng cuối đường hầm là khi người ta nhận ra những thông báo ồn ào và phiền phức như thế nào, ly cocktail gây nghiện sẽ tự mất hiệu quả của nó.


Trong truyện ngụ ngôn Chú bé chăn cừu nói dối, chú bé đã nhiều lần lừa dân làng tin rằng chó sói đang tấn công bầy cừu. Cuối cùng khi chó sói thật xuất hiện, cậu la lên nhưng chẳng ai nghe. Kết cuộc những con cừu đã gặp chuyện gì chắc không cần phải bàn.

Chúng ta sẽ bỏ qua cái chuông luôn rung giống như chúng ta bỏ qua cậu bé chăn cừu xấu tính nọ.

Chống lại thông báo sẽ giúp chúng ta bớt xao nhãng mà dành thời gian tạo ra giá trị bản thân nhiều hơn. Thông báo là một công cụ mạnh mẽ để thu hút người quan tâm trong thời hạn ngắn, nhưng về lâu dài sẽ gây phản tác dụng.

Thời gian sẽ trả lời. Và chắc chắn sắp tới đây chúng ta lại nghe tiếng bíp từ thông báo nào đó hiện lên trên màn hình (giả dụ như bạn không sử dụng chế độ rung hoặc im lặng).

Minh họa: cigdemhizal/DigitalVision Vectors/Getty Images Bản gốc © 2018 của Adrian Zumbrunnen Dịch bởi Duy

#Technology #Privacy

Thật khó tin là chỉ mới đây thôi, có một quãng thời gian mà hàng loạt mạng xã hội ra đời. Và bất cứ người trẻ ngây thơ nào cũng sẽ đăng ký một tài khoản cho mỗi dịch vụ. Mỗi cái giới thiệu một khía cạnh nào đó của người dùng – như gu thưởng thức nhạc (MySpace), check-in tiệm cà phê (Foursquare) và sự trầm tư mặc tưởng (Twitter).

Dần dà Facebook, Instagram, Twitter thống trị tất cả. Đó là những dịch vụ mà chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm và biết được công việc thật ngoài đời của người khác cũng như ngày tháng năm sinh, bao nhiêu con, tình trạng hôn nhân các kiểu. Chính vì sự mở rộng không ngừng của mình, chúng trở nên hỗn loạn và bừa bộn. Việc bạn đăng bất cứ thứ gì trong cuộc đời lên mạng xã hội trở nên quá ư bình thường, ít nhất là trên lý thuyết.

Mạng xã hội trở thành một cuộc sống thứ hai và đem tới nhiều phiền toái: thị phi, tai tiếng hoặc là cả lạm dụng, quấy rối. Những dòng status hay dòng tweet bạn đăng từ đời nào chính là vũ khí bị những người có dã tâm sử dụng để chống lại bạn nếu họ muốn.

Facebook ghê gớm hơn cả với những nội dung quảng cáo chọc cười bệnh hoạn, phơi bày cảm xúc quá lố hay đơn giản là những tấm hình vô nghĩa. Những phong trào như #deletefacebook ra đời để kêu gọi bảo vệ dữ liệu cá nhân khỏi tập đoàn khổng lồ của Mark Zuckerberg. Những cách sống chung với lũ cũng xuất hiện như ẩn danh tài khoản, nhắn tin nhóm, vô hiệu hóa Facebook… nhưng tất cả đều không đạt được kết quả hoàn hảo.

Gần đây có tính năng “story” phát triển đầu tiên bởi Snapchat. Những hình ảnh, video sẽ tự động biến mất sau một khoảng thời gian cho sẵn. Cái hay của tính năng này là hướng trọng tâm vào những khoảnh khắc vui nhộn tức thì. Không có gì đáng lo ngại lắm về hậu quả vì nó sẽ “bốc hơi” sau vài tiếng (dù vậy, người khác vẫn có thể chụp màn hình). Instagram tiết lộ đang có 300 triệu người dùng tính năng này hàng ngày trên ứng dụng của họ.

Xu hướng của người dùng đang có sự phân hóa mạnh mẽ. Thay vì tiếp tục sử dụng những nền tảng lớn, họ tìm đến những nền tảng nhỏ hơn, riêng tư hơn. Đó là nơi họ cảm thấy an toàn, thân thiện và muốn gắn bó nhiều hơn. Đây chính là điều mà những nền tảng lớn không thể có được. Thay vì chia sẻ một tấm hình tối qua chơi tới bến với mọi người trong friendlist như Facebook, chúng ta chỉ chia sẻ tấm hình đó với những người chúng ta quan tâm nhất. Sự thật là chúng ta vẫn thích chia sẻ những thứ linh tinh không nên chia sẻ, nhưng chính yếu là sau đó chúng ta không muốn quan tâm tới trách nhiệm về những thứ đó.

#Technology

Một người vừa trò chuyện say mê với bạn mới đây thôi nhưng rồi đột ngột không còn trực tuyến nữa. Ngày sau và nhiều ngày sau đó chỉ còn vỏn vẹn dòng thông báo ‘x đã online từ hàng trăm ngày trước’. Bạn chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra phía sau màn hình. Cả triệu dòng thông tin nhị phân 10010110100 trôi vụt qua ngay trước mặt nhưng bạn chẳng thể nào bắt được dãy số tượng trưng cho người ấy, đưa người ấy ra khỏi thế giới ảo. Bất lực. Cái cảm giác chết tiệt đó còn khó chịu hơn gấp chục lần khi bạn bị unfriend. Unfriend, đơn giản chỉ giống như xóa bỏ một cái tên trong danh bạ điện thoại và để dành dung lượng bộ nhớ cho những cái tên khác quan trọng hơn. Còn lostfriend, tựa chết mà chẳng biết vì sao chết. Nỗi ấm ức gậm nhắm vào bạn từng giây từng phút. Bạn đang làm gì bên ấy? Nói tôi biết đi! Đừng biến mất một cách kỳ lạ như vậy! Lời khẩn cầu mất hút giữa những chấm xanh vô hồn đang chớp tắt không ngừng.

#Technology

Hồi đó muốn có cái điện thoại Nokia cùi chạy hệ điều hành Symbian để chơi game java dung lượng chỉ vài chục Kb. Niềm vui đơn giản là điều khiển mấy phím mũi tên trên màn hình chưa tới 2 inch với đồ họa pixel đơn giản.

Giờ thì có điện thoại Android cảm ứng 5.4 inch full màu sắc rồi mà không còn thích thú như trước nữa. Điện thoại không cài bất cứ một game nào (thật ra từng cài Plants Vs. Zombies 2 nhưng phá đảo rồi nên gỡ bỏ). Không biết do mình hay do game nhưng quả thật là chơi rất chán.

Nói ngoài lề một chút về thị trường game online Việt Nam, giờ này toàn phát hành game trên di động. Tuổi đời một game không hot bình quân chỉ từ 3 – 4 tháng. Ồ ạt nhập game kiếm hiệp về phát hành xong rồi ít người chơi thì đóng cửa ngay. Game nhạt như cháo trắng. Còn đâu những huyền thoại Thiên Long Bát Bộ, Tây Du Ký Online, Boom… trên máy tính khi xưa mình gắn bó tới khi đóng cửa vì lý do khách quan (FPT dừng mảng game).

Nokia ngưng phát triển hệ điều hành Symbian năm 2013, Java cũng chính thức vào viện bảo tàng năm 2016. Dù rất tiếc nhưng đó là xu hướng tiến hóa chung của công nghệ, không thể cưỡng lại được.

So sad.

#Technology