Ho Nhat Duy

Technology

Câu hỏi từ một người bạn.

Quay về những năm Facebook bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam khoảng năm 2012–2014, tôi thường vào Facebook để nhắn tin với bạn bè, trò chuyện vui vẻ trên bài đăng của nhau, chọc lẫn nhau (nút Poke huyền thoại) lẫn làm quen với những người lạ. Đôi khi chia sẻ quá mức — ngày nào cũng đăng mấy thứ linh tinh, nhưng tôi thật sự đã kết nối với những người bạn ngoài đời và còn gặp rất nhiều người bạn mới, hầu hết đều tuyệt vời!

Ngày vui qua mau, Facebook bắt đầu thao túng người dùng bằng cách ẩn các bài đăng từ người thật, thay thế chúng bằng các quảng cáo, xáo trộn và điều chỉnh dòng thời gian bằng thuật toán. Tiếp theo, người người nhà nhà bắt đầu sử dụng Facebook đại trà. Thậm chí cả chính phủ cũng có tài khoản chính thức, trong khi trước đó chính họ từng ra lệnh cho nhà mạng chặn Facebook vì Fomosa.

Bùng nổ người dùng khiến nơi từng kết nối con người biến thành cái chợ. Người ta bắt đầu đem đủ mọi thứ tạp nham lên mạng. Các trang tin lá cải tha hồ giật tít, dựng chuyện. Nhiều người thấy chuyện gì cũng nhảy xổ vào bình luận, tỏ ra cao thượng hoặc thậm chí, chửi rủa, “ném đá” ai đó dù không quen và cũng không rõ chuyện thực hư như thế nào. Những tranh luận lịch sự hiếm dần và mọi người bắt đầu tấn công lẫn nhau. Nay bốc phốt, vu khống người này, mai livestream sỉ vả người kia từ từ trở thành chuyện bình thường. Một xã hội mọi rợ và rẻ tiền dần được hình thành trên Facebook.

Và vì vậy, tôi bái bai Facebook.

Mọi thứ dần nhẹ nhõm. Tôi không còn quan tâm về bất cứ thứ gì lan truyền hoặc đang thịnh hành trên mạng xã hội. Thay vì dính hội chứng FOMO (Fear of Missing Out), tôi đã trở nên miễn nhiễm với nó. Thời gian tôi từng lãng phí theo dõi những gì đang xảy ra trên Facebook được dành cho chỗ khác và điều tuyệt vời nhất là tôi không cảm thấy bị áp lực. Tôi vẫn có quan điểm riêng mạnh mẽ — về những điều tôi quan tâm nhất — nhưng tôi không cần cả thế giới phải biết.

Một điều đáng tiếc là hầu hết những người tôi yêu quý vẫn còn mắc kẹt trong cái hố đen. Dùng hay không là lựa chọn của mỗi người, nhưng điều quan trọng là tôi muốn mọi người nhận ra mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội đối với cuộc sống của chúng ta, mức độ chúng có thể thay đổi hành vi và cách suy nghĩ của chúng ta. Rồi sau đó đưa ra quyết định cho bản thân.

#Technology

(Web 3.0) Nhận định về tiền điện tử

Trên thực tế, tiền điện tử (cryptocurrency) còn nhiều vấn đề tiêu cực nên không được ủng hộ đại trà, cũng như chưa thể sử dụng trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, với sự cường điệu từ các phương tiện truyền thông, cũng như lời hứa hẹn hấp dẫn từ các dự án lừa đảo – mặt trái của tiền điện tử hầu như đã bị khỏa lấp. Bởi lẽ đó, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có một nhận định đúng đắn về tính chất của tiền điện tử.

Tiền điện tử – có thật là một cuộc cách mạng?

Tiền điện tử được nhiều người ví như “cuộc cách mạng về tiền tệ”, “khoản đầu tư cho tương lai” hay “công nghệ đột phá”. Nhưng nếu nhìn xa hơn, bạn sẽ thấy tất cả đó chỉ là cách gọi cường điệu.

Về cơ bản, tiền điện tử là một loại hàng hóa kỹ thuật số, không được phần lớn chính phủ/hệ thống ngân hàng trên thế giới hậu thuẫn. Tiền điện tử được mệnh danh là đơn vị tiền tệ kỹ thuật số mới của Internet vì hứa hẹn sự phi tập trung và không bị quản lý bởi chính phủ.

Mỗi loại tiền điện tử thường tuân theo một công thức nhất định để đảm bảo mang về lợi ích cho những người tạo ra chúng. Như là tính chất logic, an toàn của thuật toán hay điểm khác biệt của loại tiền điện tử đó đối với các loại tiền điện tử khác.

Do tiền điện tử quá khó áp dụng vào thực tiễn đời sống hằng ngày, nên mọi người dần coi nó như một món đồ để đầu tư: nghĩa là mua vào rồi bán ra kiếm lời. Vấn đề lớn nhất là để rút tiền thật từ hệ thống, bạn phải tìm một người sẵn sàng mua các token tiền điện tử bạn đang nắm giữ. Và điều này chỉ có thể xảy ra nếu người mua đó tin rằng họ sẽ có thể bán chúng cho một người nào đó lại trả nhiều tiền hơn nữa. Vòng lặp mua-bán tiền điện tử cứ thế tiếp diễn vô tận.

Nếu vào một thời điểm nào đó, nhà đầu cơ không còn tìm thấy những người sẵn sàng mua những token tiền điện tử với lời hứa hẹn rằng chúng sẽ có giá trị hơn trong tương lai, thì toàn bộ nền tảng tiền điện tử đó sẽ bị sụp đổ, giá trị của tất cả token sẽ bằng không.

…Hay là sự phá hoại môi trường?

Việc ngốn điện của tiền điện tử là một mối quan tâm lớn khác. Chỉ riêng đồng Bitcoin đã tiêu thụ một khối lượng điện khủng khiếp, tương đương bằng vài quốc gia. Chưa hết, chỉ số này sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu công nghệ lập trình đằng sau loại tiền điện tử không thể xử lý được vấn đề tối ưu hóa.

Rõ ràng, kiểu tiêu thụ năng lượng này không tốt cho môi trường vì năng lượng rõ ràng có thể được sử dụng tốt hơn ở một nơi khác. Kể cả khi bạn dùng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch thì số lượng năng lượng lãng phí cũng vẫn rất lớn.

Trong khi thế giới đang cố gắng hết sức để giảm lượng khí thải carbon, thì việc cày tiền điện tử giống như đang phá hoại nỗ lực này.

Quan điểm riêng

Khi hiểu rõ về bản chất công nghệ của tiền điện tử, bạn sẽ thấy chúng có nhiều tác động tiêu cực đối với nhân loại, xã hội và môi trường.

Hiện tại đã có hơn 8,000 loại tiền điện tử đang tồn tại, so với hơn 180 loại tiền tệ thực tế có thể sử dụng hợp pháp trên toàn thế giới, nhưng vẫn chưa có bất kỳ phương thức ý nghĩa nào để tận dụng công nghệ tiền điện tử.

Mô hình tiền điện tử hiện tại được thiết kế để thu hút bạn vào một hệ thống vận hành cực kỳ kém hiệu quả, tiêu tốn rất nhiều năng lượng, chiếm dụng một lượng lớn phần cứng có thể được sử dụng để làm việc khác và thường sẽ dẫn đến việc những kẻ sáng lập thì giàu ra còn nhà đầu tư thì tiền mất trắng. Không quá khi nói, tiền điện tử chỉ đơn thuần là một cỗ máy đánh bạc phức tạp cho những kẻ đốt tiền.

Tiền điện tử có thể là một trò chơi may rủi đối với một số nhà đầu tư tò mò và những nhà đầu cơ giàu có; nhưng đối với ai thiếu hiểu biết về công nghệ, không đủ tỉnh táo nhận ra đâu là đồng tiền lừa đảo (ví dụ Pi Network) thì tiền điện tử là một cái bẫy.

Nó không đáng để thử.

#Technology

Trước đây, mình từng so sánh Tumblr như là 1 thành phố. Vậy còn Facebook và Instagram thì sao? Mình nghĩ Fa-In giống như những siêu đô thị (megacity) đã quá chật chội.

Hãy trả lời câu hỏi: Bạn đã bao giờ bắt đầu viết một bài đăng trên mạng xã hội yêu thích của mình, sau đó chùng tay không dám đăng, lo lắng không biết ai có thể nhìn thấy nó? Bạn nghĩ và sợ về việc cha mẹ, bạn bè, người quen hoặc sếp của bạn có thể nhìn thấy những gì bạn đã viết – đặc biệt nếu bạn đang viết về điều gì đó mà số đông không chấp nhận. Fa-In đông đúc, nhộn nhịp, nhưng đi kèm với cái giá phải trả là những cảm xúc thật bị bóp đến ngẹt thở.

Chúng ta cần nhiều hơn những thành phố/thị trấn/xóm làng nhỏ trên web giống như Tumblr – nơi thật sự có không gian xanh với môi trường tự nhiên, an lành để sống, nơi được định hình bởi những người sống trong đó. Nhưng để người ta bỏ phố về quê hết là điều khó xảy ra.

Những người rời bỏ siêu đô thị để về các nơi khác nhỏ hơn sẽ luôn là những người cảm thấy không thoải mái khi sống ở siêu đô thị. Họ lựa chọn chủ động bước ra khỏi nhịp sống ồn ào của siêu đô thị. Còn những người sống ở siêu đô thị đã quen thuộc và gắn chặt với tiện nghi, họ thiếu động lực để thay đổi thực tại. Về nông thôn, họ cũng sẽ khó kinh doanh. Cho dù có bao nhiêu người đã xóa Facebook đi chăng nữa, những người còn lại vẫn sẽ không quan tâm, bởi vì trên nền tảng Facebook có đến 3 tỷ người dùng. Họ tiếp tục lệ thuộc Facebook rồi nhanh chóng quên ngay những người đã rời bỏ nền tảng.

Suy cho cùng, chúng ta đâu cần thiết phải xóa sổ hết các siêu đô thị để xây dựng một thành phố nhỏ yên bình. Chúng ta chỉ cần sống thật tốt ở nơi mà chúng ta muốn sống. Ở đây: Tumblr.

#Technology #Privacy

Tạm mượn tựa đề tình khúc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương để so sánh với Facebook (dù nó không liên quan lắm).

Nói là vũng lầy chứ thật ra Facebook giống như cái hồ nước khủng lồ hơn. Ban đầu ít người dùng thì xanh biếc, trong lành. Tới chừng bùng nổ người dùng thì ô nhiễm cũng bùng nổ theo. Kiểu, chỗ này người ta uống nước, tắm táp thì chỗ khác có những kẻ vô tư xả rác, phóng uế bừa bãi xuống nguồn nước chung. Lâu ngày thành quen nên người ta xem đó là bình thường và điềm nhiên sống chung với ô nhiễm.

Chủ hồ Mark Zuckerberg biết hết nhưng chẳng quan tâm. Gã biết dân các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Brazil, Mexico... rất ngây thơ hoặc mù mờ về việc thu thập dữ liệu cá nhân. Gã ép họ phải dùng tên thật. Gã thống trị các mối quan hệ của chúng ta bằng Messenger. Gã dùng thuật toán tinh vi theo dõi mối quan tâm của từng người rồi bán cho nhà quảng cáo. Gã bí mật trả tiền cho một công ty truyền thông giải trí lớn nhất nhì Việt Nam để công ty này lập hàng chục trang, nhóm chuyên đăng tin giả, lá cải, thị phi, tục tĩu, bạo lực nhắm tới đối tượng người dùng trẻ.

Những thứ tiêu cực của Facebook thì kể cả ngày không hết, nhưng điều đáng suy ngẫm nhất là: Dù có nhiều hồ nước khác sạch hơn, đẹp hơn, phần lớn người ta vẫn không dám bỏ cái hồ Facebook dơ dáy.

Bởi vì bỏ rồi, chỗ đâu làm “Dân Phòng Trên Mạng”¹ hoặc đọc tin kiểu “cảm động con mèo của Trần Thánh bị táo bón đã hai hôm” huhu

¹ Thuật ngữ của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

#Technology #Privacy

Khi ở ngoài môi trường thiên nhiên, chúng ta bỗng nhiên cảm thấy bình yên, thanh thản. Tại sao? Bởi vì lúc đó lượng “dữ liệu đầu vào” mà não chúng ta tiếp nhận cực kỳ thấp — chỉ có cây cỏ, sông núi, mây trời. Còn khi sử dụng mạng xã hội, tâm trí của chúng ta bị dội bom bởi hàng đống dữ liệu vô bổ, nhiều hơn dữ liệu chúng ta cần tiếp nhận.

Cái cách mà mạng xã hội gây nghiện cho chúng ta rất đơn giản. Đó là, khiến chúng ta luôn cảm thấy bận rộn. Bộ não bị đánh lừa phải hoạt động tối đa — cho dù bạn chỉ kéo lên lướt xuống New Feeds một cách vô thức.

#Technology

Mình chợt nhớ cái thế giới blog Yahoo! 360° cách đây mười năm.

Trước khi mạng xã hội ra đời, ngôi nhà riêng của mỗi người trên internet chính là blog.

Không rộng lớn và xô bồ như Facebook. Không hào nhoáng nhưng rỗng tuếch như Instagram. Ở đó, người ta chỉ có tối đa 300 bạn bè. Không có like mà chỉ có bình luận. Chỉ có một dòng status có thể thay đổi theo cảm xúc mà không sợ phiền ai. Còn ai muốn sao chép hay lưu hình gì đều phải xin phép chủ blog mới được lấy. Cứ như một căn nhà thật sự: an toàn và thoải mái.

Rồi Yahoo! 360° đột ngột đóng cửa. Cả cộng đồng đang vui bỗng chốc tan tác. Người ta chuyển sang  Facebook, Blogspot, Wordpress, Yahoo! 360plus, Opera, Multiply, Yume, CyWorld, Yo Bạn Bè,… Vào thời điểm đó, Facebook vẫn còn khá đơn giản, chẳng có gì nổi bật ngoài cả đống quiz nhảm.

Từng được xem là cách thức tốt để giữ liên lạc với gia đình bạn bè, giờ đây mạng xã hội là nơi sử dụng để quảng cáo, bán hàng, lan truyền tin lá cải và ăn cắp dữ liệu người dùng.

Những lợi ích của Facebook và mạng xã hội nói chung là không thể chối cãi, thế nhưng chính những cách thức tiếp cận của nó lại khiến cho con người trở nên quá phụ thuộc, phụ thuộc đến mức biến chúng ta thành ngu xuẩn.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao chúng ta phải ngoan ngoãn đặt tên thật trên Facebook?

#Technology

Đọc tin WordPress mua lại Tumblr tự dưng gợi mình hồi tưởng những blog cá nhân đã từng tạo trong quá khứ.

Trang blog đầu tiên mình làm là một trang wap cho điện thoại, chủ đề về hệ điều hành Win XP, hình như là winxp.hexat.com gì đó, mình cũng nhớ không rõ nữa. Trang này làm trực tiếp trên điện thoại Nokia nút bấm cổ điển, lại thêm xài kết nối internet GPRS nên nhập liệu khá là mỏi tay; nhưng thích nhất là phần chèn code đếm số người truy cập ở cuối trang – nó nhảy số người xem khá vui mắt. Không biết sao lúc đó lại rãnh tới mức tạo ra trang này nữa, á hư.

Tiếp theo là một trang web tạo bằng Webs.com, tạo xong hổng biết thiết kế giao diện như thế nào nên bỏ luôn ;_;

Từ năm 2014 đến năm 2016, mình quyết định đầu tư một trang blog đàng hoàng trên nền Blogspot của Google (bây giờ đổi thành Blogger rồi). Giao diện quản lý và đăng bài khá là dễ hiểu. Tuy nhiên, vì có nhiều vấn đề riêng nên mình bỏ đi tìm đất xây ngôi nhà khác. Vào lúc đó Yahoo! 360plus đã chết từ lâu không còn ai nhớ rồi, Opera đang hấp hối, còn WordPress thì nghiêm túc quá không hợp gu mình.

Và rồi, Tumblr là điểm đến cuối cùng của mình để tạo một trang blog cá nhân kể từ tháng 7 năm 2016. Mình thích Tumblr vì nó không xô bồ và thị phi như Facebook. Ở đây mỗi người là một linh hồn đặc biệt, hổng ai xen vào chuyện của ai, mà lại ngập tràn những nội dung chất lượng nữa. Một nơi đầy ắp sáng tạo thích hợp cho dân content như mình.

Trong vòng từ 6 tới 12 tháng tới, chắc chắn Tumblr sẽ có những thay đổi to lớn chưa biết là hay hoặc dờ. Nhưng tới lúc đó dù có chuyện gì đi chăng nữa, mình sẽ mãi yêu Tumblr như những phút ban đầu :)

#Technology

Mô hình của mạng xã hội thế hệ tiếp theo sẽ là mỗi cộng đồng sử dụng máy chủ lưu trữ riêng của họ trên nền tảng phần mềm có sẵn.

Nói dễ hiểu thì nó tương tự như email. Bạn có thể dùng Gmail và gửi thư cho một người dùng Yahoo Mail, iCloud Mail, Outlook hoặc bất kỳ địa chỉ email nào đó.

Ví dụ, có một mạng xã hội YouSpace gồm hàng ngàn cộng đồng nhỏ bên trong nó. Nếu bạn tâm đắc cộng đồng nguoiyeumeo.net, bạn sẽ đăng ký làm thành viên cộng đồng này. Tất cả dữ liệu text, image, video, links… bạn tải lên sẽ được lưu trên máy chủ của cộng đồng nguoiyeumeo. Tất nhiên, bạn có thể tự do tương tác với các cộng đồng khác như yeudienanh.info, thichanuong.vn, designersworld.io, hoailamfanclub.us… Chức năng, giao diện người dùng của các cộng đồng về cơ bản sẽ giống nhau, trong khi danh tính của bạn sẽ thuộc về cộng đồng bạn đã chọn (vd: nguoiyeumeo.net/duy) YouSpace ở đây chỉ là phần mềm triển khai giao diện người dùng, chức năng, quản lý các cộng đồng… chứ không lưu trữ bất cứ dữ liệu nào của người dùng. Nếu muốn gia nhập YouSpace, mỗi cộng đồng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm duyệt nội dung, bảo mật, quyền lợi người dùng.

Có thể bạn sẽ được miễn phí hoặc trả phí để gia nhập một cộng đồng, nhưng điều đó dễ chịu hơn là bị Facebook đọc từng tin nhắn, nghe lén từng cuộc gọi, phân tích từng status và bán thông tin cá nhân/sở thích của bạn cho một công ty quảng cáo nào đó đúng không nào?

Những ưu điểm:

  • Đa dạng & tự do
  • Không quảng cáo
  • Không có sự can thiệp của chính phủ
  • Dễ kiểm soát nội dung người dùng tải lên
  • Mối tương tác giữa người dùng lành mạnh hơn
  • Và nhiều ích lợi khác...

Thật tuyệt vời phải không?

#Technology

Đa số chúng ta đều vô tư sử dụng Facebook vì nó miễn phí. Nhưng theo lý mà nói, chúng ta nên được Facebook trả tiền nếu sử dụng dịch vụ này. Bởi vào cuối năm 2017, lần đầu tiên Facebook tuyên bố rằng lợi nhuận bình quân tính trên mỗi đầu người sử dụng dịch vụ là $5. Thành công của Facebook phụ thuộc vào yếu tố tiếp thị thông minh, đồng thời cũng là mảng tối đáng sợ nhất của Internet: truy cập vào mối quan tâm của chúng ta.

Rất nhiều, nếu như không muốn nói rằng hầu hết những dịch vụ trực tuyến đều được tài trợ bằng quảng cáo. Những nhà quảng cáo trả tiền để được xuất hiện trên newsfeed của Facebook, Instagram hoặc để tăng hạng trong trang kết quả tìm kiếm của Google. Không phải người sử dụng nào cũng nhận thức được điều này, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên.

Một cuộc khảo sát bởi Ofcom năm 2017 tại Anh cho thấy chỉ có 43% người sử dụng Internet từ 12 đến 15 tuổi được khảo sát biết rằng trang kết quả tìm kiếm đầu tiên của Google gần như là quảng cáo được trả tiền. Trong số đó, lại chỉ có một nửa hiểu cách thức hoạt động của quảng cáo cá nhân hóa và cách Google hoặc YouTube kiếm ra tiền.

Một nghiên cứu khác của Anh – Mỹ xác nhận rằng hiệu ứng phân loại mục tiêu theo tâm lý đã được sử dụng trong hoạt động chạy quảng cáo của Facebook. Trong cuộc thí nghiệm này, khoảng 3.5 triệu phụ nữ sử dụng Facebook được phân loại “hướng nội” hay “hướng ngoại” chỉ thông qua một cái nhấn Like. Tùy thuộc vào hồ sơ tâm lý, hình minh họa quảng cáo sẽ là hình ảnh một phụ nữ mắc cỡ nhìn vào tấm gương hay một phụ nữ đang nhảy múa. Cả hai đều quảng cáo cùng một loại mỹ phẩm. Kết quả nghiên cứu nói lên tất cả: những quảng cáo cá nhân hóa nhận nhiều hơn đến 40% lượt click vào và doanh số tiêu thụ sản phẩm gần như cao gấp đôi. Điều đó đã khiến bạn sợ hãi chưa? Lấy thông tin của bạn thông qua một cái Like.

Người dùng ở lại trên nền tảng càng lâu, doanh thu từ quảng cáo càng cao. Để làm được như vậy, các công ty như Facebook phải làm cho người dùng bị lệ thuộc. Từ việc thiết kế giao diện người dùng (UI) gây nghiện cho tới việc thao túng newsfeed của chúng ta: Facebook cho hiển thị những page hoặc mẫu quảng cáo trên newsfeed (nghe nói sắp chèn vào cả Messenger), Instagram thì luôn ưu tiên hiển thị những người dùng là “influencer” của những mỹ phẩm/thời trang/ăn uống, còn YouTube cứ cái gì nhiều gì nhiều người xem là quăng vào Trending hết, bất kể tốt hay xấu, vô nghĩa hay thú vị. Người dùng dù muốn hay không cũng phải thấy những thứ tào lao này.

Chúng ta đã quá quen với hệ quả của các mô hình kinh doanh được tài trợ bởi quảng cáo kiểu như vậy đến nỗi nhiều người tin rằng hầu như không có lựa chọn thay thế. Chúng ta đã sai. Có nhiều lý do để chúng ta nghĩ về những mô hình kinh doanh thay thế khác. Bạn có bao giờ mơ về một mạng xã hội không phụ thuộc quảng cáo? Đó chắc chắn sẽ là một nơi khác xa so với những mạng xã hội hiện tại ở nhiều khía cạnh. Nhưng trên hết vẫn là vấn đề bảo mật thông tin. Nếu không có quảng cáo, người dùng chắc chắn sẽ không bị định vị. Sẽ không cần thiết sử dụng những phần mềm mã hóa riêng tư nữa. Những thiết lập tiêu chuẩn sẽ làm giùm việc đó. Nếu có thu thập dữ liệu để cải tiến dịch vụ thì tất cả dữ liệu sẽ ở dạng ẩn danh…

Hãy nhớ, chúng ta có quyền chọn lựa dịch vụ nào sẽ gắn bó. Phải biết tự trang bị những công cụ để bảo mật thông tin cá nhân của mình. Tuy nhiên, điều mong muốn lớn hơn hết là những dịch vụ khổng lồ chiếm vị trí trong cuộc sống của hàng trăm triệu người sẽ cho phép họ tự quyết với thứ họ quan tâm, muốn thấy.

#Technology #Privacy

Nhiều người thuộc thế hệ 7x, 8x trong số chúng ta chắc hẳn vẫn còn nhớ những tháng ngày trước khi có mạng xã hội. Nếu bạn muốn viết gì đó trên internet, bạn tạo một blog. Nơi mà bạn tha hồ tâm sự, đăng hình, viết nhật ký… Bởi vì các blog là độc lập nên không có công ty nào có thể bắt blogger phải viết gì hoặc không được viết gì. Nếu dịch vụ nào o ép quá, bạn có thể dời nhà sang dịch vụ khác. Có khá nhiều dịch vụ blog khác nhau cho bạn chọn như Blogspot, Yahoo! 360°, Wordpress, Opera, Multiply, Cyworld, Yume… Nội dung trên blog hoàn toàn thuộc về bạn.

Với sự phát triển của Web 2.0, tất cả dần chuyển sang dùng mạng xã hội. Những cái tên Facebook, Twitter, Instagram, WhatsApp, QQ… bắt đầu bùng nổ vì giúp người dùng dễ dàng kết nối với bạn bè. Chúng đều có điểm chung là đưa ra giao diện dòng thời gian (timeline) giúp mọi thứ nhanh gọn như mỳ ăn liền.

Nhưng cái sự đơn giản hóa ấy phải trả giá đắt. Chúng ta khó có thể rời bỏ mạng xã hội nào đó một khi đã sử dụng nó quá lâu. Quảng cáo tràn ngập khắp nơi. Đủ thứ thông tin nhảm nhí không mong muốn hiện lên hằng ngày trên newsfeed. Lấy ví dụ Facebook, chúng ta chỉ là món hàng không hơn không kém. Facebook dùng đủ mưu mẹo như 6 nút cảm xúc, bạn có biết, machine-learning để moi dữ liệu người dùng bán cho bên thứ ba. Những thứ rác rưởi như “tương tác”, “hot face”, sống ảo, câu like, fake news, KOL,… xuất hiện không kiểm soát nổi. Nội dung tốt đẹp chẳng mấy ai quan tâm còn phát ngôn gây sốc, tin diễn viên lộ hàng, clip dạy đời chửi đời các kiểu thì được chia sẻ tốc độ chóng mặt.

Trái ngược với mạng xã hội, blog là một cộng đồng nhỏ nhưng thân thiện. Nơi chúng ta không phải là một món hàng. Nơi chúng ta không có 5,000 bạn bè mà luôn cảm thấy cô đơn (lạ ghê hen!?). Nơi chúng ta thật sự được là chúng ta. Không sân si. Không thị phi.

Tôi luôn tin rằng một ngày nào đó, khi mạng xã hội thoái trào, blog sẽ tự trở lại thời hoàng kim của mình mà thôi.

#Technology