Ho Nhat Duy

Privacy

Trước đây, mình từng so sánh Tumblr như là 1 thành phố. Vậy còn Facebook và Instagram thì sao? Mình nghĩ Fa-In giống như những siêu đô thị (megacity) đã quá chật chội.

Hãy trả lời câu hỏi: Bạn đã bao giờ bắt đầu viết một bài đăng trên mạng xã hội yêu thích của mình, sau đó chùng tay không dám đăng, lo lắng không biết ai có thể nhìn thấy nó? Bạn nghĩ và sợ về việc cha mẹ, bạn bè, người quen hoặc sếp của bạn có thể nhìn thấy những gì bạn đã viết – đặc biệt nếu bạn đang viết về điều gì đó mà số đông không chấp nhận. Fa-In đông đúc, nhộn nhịp, nhưng đi kèm với cái giá phải trả là những cảm xúc thật bị bóp đến ngẹt thở.

Chúng ta cần nhiều hơn những thành phố/thị trấn/xóm làng nhỏ trên web giống như Tumblr – nơi thật sự có không gian xanh với môi trường tự nhiên, an lành để sống, nơi được định hình bởi những người sống trong đó. Nhưng để người ta bỏ phố về quê hết là điều khó xảy ra.

Những người rời bỏ siêu đô thị để về các nơi khác nhỏ hơn sẽ luôn là những người cảm thấy không thoải mái khi sống ở siêu đô thị. Họ lựa chọn chủ động bước ra khỏi nhịp sống ồn ào của siêu đô thị. Còn những người sống ở siêu đô thị đã quen thuộc và gắn chặt với tiện nghi, họ thiếu động lực để thay đổi thực tại. Về nông thôn, họ cũng sẽ khó kinh doanh. Cho dù có bao nhiêu người đã xóa Facebook đi chăng nữa, những người còn lại vẫn sẽ không quan tâm, bởi vì trên nền tảng Facebook có đến 3 tỷ người dùng. Họ tiếp tục lệ thuộc Facebook rồi nhanh chóng quên ngay những người đã rời bỏ nền tảng.

Suy cho cùng, chúng ta đâu cần thiết phải xóa sổ hết các siêu đô thị để xây dựng một thành phố nhỏ yên bình. Chúng ta chỉ cần sống thật tốt ở nơi mà chúng ta muốn sống. Ở đây: Tumblr.

#Technology #Privacy

Tạm mượn tựa đề tình khúc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương để so sánh với Facebook (dù nó không liên quan lắm).

Nói là vũng lầy chứ thật ra Facebook giống như cái hồ nước khủng lồ hơn. Ban đầu ít người dùng thì xanh biếc, trong lành. Tới chừng bùng nổ người dùng thì ô nhiễm cũng bùng nổ theo. Kiểu, chỗ này người ta uống nước, tắm táp thì chỗ khác có những kẻ vô tư xả rác, phóng uế bừa bãi xuống nguồn nước chung. Lâu ngày thành quen nên người ta xem đó là bình thường và điềm nhiên sống chung với ô nhiễm.

Chủ hồ Mark Zuckerberg biết hết nhưng chẳng quan tâm. Gã biết dân các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Brazil, Mexico... rất ngây thơ hoặc mù mờ về việc thu thập dữ liệu cá nhân. Gã ép họ phải dùng tên thật. Gã thống trị các mối quan hệ của chúng ta bằng Messenger. Gã dùng thuật toán tinh vi theo dõi mối quan tâm của từng người rồi bán cho nhà quảng cáo. Gã bí mật trả tiền cho một công ty truyền thông giải trí lớn nhất nhì Việt Nam để công ty này lập hàng chục trang, nhóm chuyên đăng tin giả, lá cải, thị phi, tục tĩu, bạo lực nhắm tới đối tượng người dùng trẻ.

Những thứ tiêu cực của Facebook thì kể cả ngày không hết, nhưng điều đáng suy ngẫm nhất là: Dù có nhiều hồ nước khác sạch hơn, đẹp hơn, phần lớn người ta vẫn không dám bỏ cái hồ Facebook dơ dáy.

Bởi vì bỏ rồi, chỗ đâu làm “Dân Phòng Trên Mạng”¹ hoặc đọc tin kiểu “cảm động con mèo của Trần Thánh bị táo bón đã hai hôm” huhu

¹ Thuật ngữ của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

#Technology #Privacy

Đa số chúng ta đều vô tư sử dụng Facebook vì nó miễn phí. Nhưng theo lý mà nói, chúng ta nên được Facebook trả tiền nếu sử dụng dịch vụ này. Bởi vào cuối năm 2017, lần đầu tiên Facebook tuyên bố rằng lợi nhuận bình quân tính trên mỗi đầu người sử dụng dịch vụ là $5. Thành công của Facebook phụ thuộc vào yếu tố tiếp thị thông minh, đồng thời cũng là mảng tối đáng sợ nhất của Internet: truy cập vào mối quan tâm của chúng ta.

Rất nhiều, nếu như không muốn nói rằng hầu hết những dịch vụ trực tuyến đều được tài trợ bằng quảng cáo. Những nhà quảng cáo trả tiền để được xuất hiện trên newsfeed của Facebook, Instagram hoặc để tăng hạng trong trang kết quả tìm kiếm của Google. Không phải người sử dụng nào cũng nhận thức được điều này, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên.

Một cuộc khảo sát bởi Ofcom năm 2017 tại Anh cho thấy chỉ có 43% người sử dụng Internet từ 12 đến 15 tuổi được khảo sát biết rằng trang kết quả tìm kiếm đầu tiên của Google gần như là quảng cáo được trả tiền. Trong số đó, lại chỉ có một nửa hiểu cách thức hoạt động của quảng cáo cá nhân hóa và cách Google hoặc YouTube kiếm ra tiền.

Một nghiên cứu khác của Anh – Mỹ xác nhận rằng hiệu ứng phân loại mục tiêu theo tâm lý đã được sử dụng trong hoạt động chạy quảng cáo của Facebook. Trong cuộc thí nghiệm này, khoảng 3.5 triệu phụ nữ sử dụng Facebook được phân loại “hướng nội” hay “hướng ngoại” chỉ thông qua một cái nhấn Like. Tùy thuộc vào hồ sơ tâm lý, hình minh họa quảng cáo sẽ là hình ảnh một phụ nữ mắc cỡ nhìn vào tấm gương hay một phụ nữ đang nhảy múa. Cả hai đều quảng cáo cùng một loại mỹ phẩm. Kết quả nghiên cứu nói lên tất cả: những quảng cáo cá nhân hóa nhận nhiều hơn đến 40% lượt click vào và doanh số tiêu thụ sản phẩm gần như cao gấp đôi. Điều đó đã khiến bạn sợ hãi chưa? Lấy thông tin của bạn thông qua một cái Like.

Người dùng ở lại trên nền tảng càng lâu, doanh thu từ quảng cáo càng cao. Để làm được như vậy, các công ty như Facebook phải làm cho người dùng bị lệ thuộc. Từ việc thiết kế giao diện người dùng (UI) gây nghiện cho tới việc thao túng newsfeed của chúng ta: Facebook cho hiển thị những page hoặc mẫu quảng cáo trên newsfeed (nghe nói sắp chèn vào cả Messenger), Instagram thì luôn ưu tiên hiển thị những người dùng là “influencer” của những mỹ phẩm/thời trang/ăn uống, còn YouTube cứ cái gì nhiều gì nhiều người xem là quăng vào Trending hết, bất kể tốt hay xấu, vô nghĩa hay thú vị. Người dùng dù muốn hay không cũng phải thấy những thứ tào lao này.

Chúng ta đã quá quen với hệ quả của các mô hình kinh doanh được tài trợ bởi quảng cáo kiểu như vậy đến nỗi nhiều người tin rằng hầu như không có lựa chọn thay thế. Chúng ta đã sai. Có nhiều lý do để chúng ta nghĩ về những mô hình kinh doanh thay thế khác. Bạn có bao giờ mơ về một mạng xã hội không phụ thuộc quảng cáo? Đó chắc chắn sẽ là một nơi khác xa so với những mạng xã hội hiện tại ở nhiều khía cạnh. Nhưng trên hết vẫn là vấn đề bảo mật thông tin. Nếu không có quảng cáo, người dùng chắc chắn sẽ không bị định vị. Sẽ không cần thiết sử dụng những phần mềm mã hóa riêng tư nữa. Những thiết lập tiêu chuẩn sẽ làm giùm việc đó. Nếu có thu thập dữ liệu để cải tiến dịch vụ thì tất cả dữ liệu sẽ ở dạng ẩn danh…

Hãy nhớ, chúng ta có quyền chọn lựa dịch vụ nào sẽ gắn bó. Phải biết tự trang bị những công cụ để bảo mật thông tin cá nhân của mình. Tuy nhiên, điều mong muốn lớn hơn hết là những dịch vụ khổng lồ chiếm vị trí trong cuộc sống của hàng trăm triệu người sẽ cho phép họ tự quyết với thứ họ quan tâm, muốn thấy.

#Technology #Privacy

Mỗi mạng xã hội đều có những vấn đề của nó. Nhưng Tumblr không phải là con quỷ nuốt lấy linh hồn của người dùng, chính điều này giúp Tumblr trở thành mạng xã hội tốt nhất.

Điều chắc chắn Tumblr không làm đó là có một hệ thống quảng cáo tinh vi kiếm hàng tỷ đô la từ hành vi người dùng. Tumblr không bị biến chất như Facebook, Twitter, Instagram; không ai trả tiền để mô hình kinh doanh của họ được nhiều reblog trên Tumblr trong khi điều này đang xảy ra quá đỗi bình thường ở Facebook.

Đội ngũ kỹ sư Tumblr không giúp chính phủ khai thác danh tính người dùng với machine learning. Tumblr không kiếm tiền từ việc bán thông tin cá nhân của bạn bởi vì Tumblr không thu thập thông tin người dùng càng nhiều càng tốt như những mạng xã hội khác.

Tumblr không sử dụng thuật toán. Nếu bạn theo dõi ai đó, Tumblr hiện những bài đăng của họ theo thứ tự thời gian. Nó không ưu tiên đưa những người nổi tiếng, những tin tức giật gân, câu view lên hàng đầu như Facebook.

Những mạng xã hội khác đang làm con người ngày càng xấu xí đi, gây nghiện, và chỉ dùng để gia tăng sự ảnh hưởng. Tumblr không quá tuyệt vời, nhưng nó là một trong những nơi hiếm hoi chúng ta được là chính chúng ta.

Một tượng đài vĩ đại của internet.

#Technology #Privacy

Hiếm có phát minh nào gây sức ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ của nhân loại với công nghệ như những thông báo. Trước đây, hầu hết chúng ta do dự khi quyết định muốn sử dụng và giao tiếp với công nghệ. Vậy mà hiện tại, công nghệ gần như đang chi phối sự quyết định của chúng ta.

Có thể bạn đổ lỗi cho công nghệ, nhưng cần phải lưu ý ngay rằng công nghệ không phải là mấu chốt của vấn đề — mà là ở cái cách chúng ta sử dụng nó. Suy cho cùng, không phải tất cả các loại thông báo đều đã được tạo ra như nhau. Để hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa từ tiện dụng cho tới phiền phức này, chúng ta cần nhìn lại quá khứ của nó.


Vào năm 1971, kỹ sư máy tính Raymond Tomlinson ở tiểu bang Massachusetts đảm trách một công việc khó nhằn mà sau sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho nền văn hóa kỹ thuật số. Trong khi làm việc cho dự án ARPANET, tức là phiên bản đầu tiên của internet được tài trợ nghiên cứu bởi chính phủ Hoa Kỳ, Raymond Tomlinson tìm ra một phương thức giúp những người sử dụng internet gửi tin nhắn cho nhau. Trước khi có sáng kiến của anh, tin nhắn chỉ có thể gửi từ những người có tài khoản trên cùng một máy tính. Tất cả đã thay đổi khi Raymond Tomlinson bổ sung ký tự @ huyền thoại. Sự sáng tạo tinh tế này cho phép phân biệt danh tính người nhận tin nhắn dù nhiều người cùng sử dụng chung một máy tính.

Một trong những người đầu tiên sử dụng hệ thống mới này đã mô tả nó như một “cú hack tuyệt đỉnh”. Cú hack tuyệt đỉnh đã khiến email chiếm tới 75% lưu lượng internet những ngày sơ khai đó.

Email thống trị dẫn tới sự ra đời Giao thức truyền thư đơn giản (SMTP), thứ mà nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho việc gửi và nhận email. Đáng kinh ngạc là SMTP có thể thông báo ngay khi có ai đó gửi thư cho bạn. Tuy nhiên, hiếm người dùng tính năng này bởi vì đâu ai trực tuyến suốt vào thời điểm đó.

Cho tới khi những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên bán ra thị trường.

Năm 2003, RIM trở thành công ty đầu tiên thương mại hóa thành công thông báo đẩy (push notification) trong sản phẩm dành cho người dùng cuối của mình. Đó chính là chiếc điện thoại BlackBerry huyền thoại, thế hệ điện thoại thông minh đầu tiên với khả năng lập tức thông báo cho người dùng khi họ nhận được email mới. Đây là tính năng hữu ích khiến giới doanh nhân cực kỳ ưa chuộng điện thoại BlackBerry.

Các công ty đối thủ của RIM nhanh chóng nhận ra sức hút ghê gớm của kiểu thông báo đẩy này trong việc tạo ra một thiết bị mà con người không thể tách rời.

Năm 2008, sau khi tham khảo ý kiến từ cộng đồng phát triển, Apple tung ra tính năng tương tự dưới tên là Dịch vụ thông báo đẩy của Apple (APNS). Đây là mảnh ghép quan trọng nhất đã thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ điều hành di động kể từ khi iPhone ra đời.

Những thông báo đẩy trở thành phần không thể tách rời của điện thoại thông minh. Biểu tượng cái chuông xuất hiện ở khắp nơi: từ hệ điều hành cho tới ứng dụng, và tất nhiên cả trên các trang web.

Qua thời gian, biểu tượng cái chuông dần được dùng để truyền tải ý nghĩa đơn giản: Có một thứ gì đó mới cho bạn.

Khái niệm “mới” ở trên tương tự như một thứ cocktail gây nghiện trong lịch sử làng công nghệ. Không mấy ngạc nhiên khi người dùng cực thích tính năng này.

Mọi người chìm vào dòng chảy vô tận của thông tin.

Ngày nay, rất nhiều trang web yêu cầu chúng ta cho quyền “quấy phá” chính chúng ta với nội dung từ họ. Số lượng thông tin khổng lồ tiếp nhận hằng ngày đầy choáng ngợp lẫn thất vọng. Nhưng đó không phải là lỗi của những công ty đã tạo ra thông báo đẩy. Người ta có quyền nói không cơ mà.

Chưa hết, một kiểu thông báo mới lại gia nhập cuộc chơi.

Khi chiến trường tranh giành sự chú ý trở nên khốc liệt, những ông lớn bắt đầu áp dụng chiến thuật nhằm tăng sự thu hút cho nền tảng của họ. Loại thông báo này rất phi lý, tôi cho rằng đó không phải là thông báo vì chúng vô nghĩa và không liên quan tới bạn. Còn nhớ khi Facebook thông báo bạn của bạn vừa đạt 200,000 điểm trên Candy Crush hoặc bạn của bạn vừa like hình thần tượng của họ chứ? Hỏi thật ai quan tâm?

Cái chuông đưa chúng ta vào một vòng lặp không lối thoát.

Thông báo đã và đang trở thành cái móc tinh vi níu kéo chúng ta. Giới thiết kế và phát triển sản phẩm được dạy để tạo ra những sản phẩm gây nghiện trong khi nhiều nhà hoạt động đang kiên trì đấu tranh với các công ty rằng nên tạo ra những sản phẩm tôn trọng thời gian của nhân loại.

Ánh sáng hi vọng cuối đường hầm là khi người ta nhận ra những thông báo ồn ào và phiền phức như thế nào, ly cocktail gây nghiện sẽ tự mất hiệu quả của nó.


Trong truyện ngụ ngôn Chú bé chăn cừu nói dối, chú bé đã nhiều lần lừa dân làng tin rằng chó sói đang tấn công bầy cừu. Cuối cùng khi chó sói thật xuất hiện, cậu la lên nhưng chẳng ai nghe. Kết cuộc những con cừu đã gặp chuyện gì chắc không cần phải bàn.

Chúng ta sẽ bỏ qua cái chuông luôn rung giống như chúng ta bỏ qua cậu bé chăn cừu xấu tính nọ.

Chống lại thông báo sẽ giúp chúng ta bớt xao nhãng mà dành thời gian tạo ra giá trị bản thân nhiều hơn. Thông báo là một công cụ mạnh mẽ để thu hút người quan tâm trong thời hạn ngắn, nhưng về lâu dài sẽ gây phản tác dụng.

Thời gian sẽ trả lời. Và chắc chắn sắp tới đây chúng ta lại nghe tiếng bíp từ thông báo nào đó hiện lên trên màn hình (giả dụ như bạn không sử dụng chế độ rung hoặc im lặng).

Minh họa: cigdemhizal/DigitalVision Vectors/Getty Images Bản gốc © 2018 của Adrian Zumbrunnen Dịch bởi Duy

#Technology #Privacy