Ho Nhat Duy

Small thoughts for a quiet world

Đối với mình, đợi đến một dịp đặc biệt nào đó để cầu ước thay đổi cuộc đời là một điều vô nghĩa. Năm mới, sinh nhật, kết hôn, thôi nôi, lễ kỷ niệm,... tất cả đều là rập khuôn và sáo rỗng. Sao không phải là ở đây, ngay bây giờ? Ai cũng muốn vượt qua giới hạn bản thân và trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng rất ít người có đủ bản lĩnh tự tin để quyết định đổi mới bản thân. Những gì chúng ta cần đã có sẵn. Chỉ cần tịnh tâm gạt bỏ quá khứ ra khỏi tâm trí và xem như nó đã xảy ra rồi, đúng như bản chất của nó.

#Thoughts

Raya và Rồng Thần Cuối Cùng

Raya và Rồng Thần Cuối Cùng là một phim hoạt hình Disney hiếm hoi lấy bối cảnh Châu Á, kể từ sau Hoa Mộc Lan.

Phim giới thiệu đậm nét nền văn hóa Đông Nam Á với mỗi nước ASEAN đóng góp chất liệu một chút. Mọi thứ đều đẹp, trau chuốt. Riêng Việt Nam hơi được ưu ái thông qua tên các nhân vật và gương mặt ông vua cha.

Hầu hết nhân vật đều là phụ nữ, tới nhân vật phụ em bé Trung Quốc cũng là con gái. Thiết kế nhân vật mạnh mẽ nhưng không cường điệu, trang phục ngầu, đánh đấm cũng nhiệt tình chứ không bánh bèo như mấy công chúa Disney khác. Ấn tượng nhất phải nhắc đến Rồng thần Elsa.

Nhân vật nữ chính Raya lặp lại cốt truyện từ Moana – công chúa bốc đồng nhưng dũng cảm, một chuyến phiêu lưu thần thánh, một cuộc tìm kiếm sức mạnh huyền bí để hóa giải bùa phép từ nhiều thế kỷ trước… Nhiều bối cảnh và tình huống na ná nhau nhưng bù lại thì ý tưởng cũ đã bị lấp kín bởi thế giới giả tưởng độc đáo, thú vị và cuốn hút mắt người xem.

Ngoài hai yếu tố phép màu và hy vọng mà bất cứ phim hoạt hình Disney nào khác cũng phải có, bài học chính của phim là vấn đề niềm tin. Mình tin chắc Raya và Rồng Thần Cuối Cùng sẽ ra phần 2 vì con Tuk Tuk đáng yêu quá. Đùa thôi, vì nguồn gốc nhiều nhân vật còn chưa rõ ràng.

#Watched

1. Năm 2017, sau khi học xong ở Bạc Liêu, tôi lên Sài Gòn tìm việc. Chỗ tôi trọ là địa chỉ quen thuộc của công nhân khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7: Tiệm cơm tấm Chú Thái. Dân tỉnh lẻ chân ướt chân ráo lên thành phố, tôi mường tượng trong đầu sẽ gặp một chủ nhà “dân thành phố” khó tánh, nhưng đó chỉ là thành kiến vô căn cứ của riêng tôi mà thôi.

Ngày đầu tiên chuyển vào nhà trọ, hè Sài Gòn nóng hầm hầm như lò nướng bánh mì. Thấy tôi chưa có quạt điện, chú Thái liền biểu tôi: “Xuống nhà lấy cây quạt mini của con gái chú xài, chú cho tiền nó mua cái khác chứ nóng quá mày chịu gì nổi”.

Tôi vốn khoái uống đá hơn nước lọc. Chú Thái thì bán nước ngọt mà mỗi lần tôi xin nước đá chú đều cho không lấy tiền: “Nước đá đó con, lấy thoải mái đi có bao nhiêu đâu”. Có lúc, chú còn đem cho tôi một cái ca nhựa lớn để đựng cho nhiều.

Bữa nhà chú có đám giỗ, chú rủ qua chơi ăn uống, tôi mới biết chú Thái quê ở An Giang. Hóa ra cũng dân miền Tây he.

2. Có bữa do công việc cần upload file gấp, tôi ghé một tiệm net cỏ. Chủ tiệm là một người phụ nữ lớn tuổi đeo kính có vẻ trí thức. Tới lúc tính tiền 22,000đ, tôi mở bóp đưa một tờ polymer màu xanh và 2,000đ thì: “Cậu ơi, có nhầm không mà đưa tiền lớn quá nè”. Hoá ra, tôi đưa nhầm tờ 500,000đ chứ không phải 20,000đ. Người Sài Gòn trung thực thiệt!

3. Tôi có thói quen uống cà phê sữa đá mỗi sáng trước khi làm và mối ruột của tôi là xe cà phê Chú Sáu ở đường Nguyễn Thị Thập, Quận 7. Nói mối ruột chớ tôi chỉ mua cà phê sữa của chú độ một tháng, sau đó vì chuyển chỗ ở, đi làm đường khác, nên tôi không còn ghé chú nữa. Bận sắp nghỉ Tết 2021, tôi ghé quán mua ly cà phê thì chú bảo “Tao nhớ mi rồi, chờ tao tý”. Chú vô nhà rồi đem ra một cây chả lụa nửa ký cho tôi. Người Sài Gòn hào phóng quá chừng!

4. Nhiều người nổi tiếng coi việc làm từ thiện để xây dựng hình ảnh, nhưng cũng có nhiều người làm từ thiện bằng tâm của mình mà không nghĩ gì. Tôi nhớ hoài Phú Mỹ Hưng trưa hè 40° năm ngoái, hình ảnh một cô gái chạy xe máy đưa hộp cơm và chai nước suối cho một bác lớn tuổi bán vé số ngồi trên vỉa hè đường Tân Phong rồi lên xe đi. Cũng bữa đó, tôi ghé quán cơm trưa, một ông lão tay run run đi vào quán mời mua vé số. Người mua, người lắc đầu. Bỗng tôi nghe tiếng phụ nữ đứng mua cơm nói với chị chủ tiệm: “Cho em thêm một hộp cho ông lão bán vé số”. Khi ông lão bước ra, chị chủ tiệm cầm hai tay đưa: “Ông ơi, có chị kia mua tặng ông nè”. Ông lão mắt ướt nhòe đi, tay cầm bịch cơm sườn run run, miệng lắp bắp: “Cám ơn cô, cám ơn cô”“Chị kia mua cho ông, không phải con”. Ông lão vội bước ra đường tìm nhưng người mua cơm tặng đã đi nãy giờ...

#OnTheRoad

Chúng ta sống trong một xã hội nơi mà những người viết thơ thường bị mang thành kiến lãng đãng hoặc sến. Nhưng buồn cười thay, mỗi khi đăng hình lên mạng xã hội, chính những kẻ chê bai lại cố đi tìm những câu thơ để phủ lấp sự nhạt nhẽo trong tâm hồn của họ.

#Thoughts

Hồi bạn còn là một đứa trẻ, bạn vẽ không cần cẩn trọng. Bạn tô màu lem ra ngoài đường viền. Bạn tô bất cứ màu nào bạn thấy “ưng ý”. Những con voi màu xanh dương, những cái cây màu tím, những con gấu màu đỏ, những đại dương màu xanh lá cây – tất cả đều không có vấn đề gì.

Cho tới khi bạn lớn lên, mọi người đều bảo bạn đừng tô màu lem và tô màu mọi thứ giống như bạn thấy. Bạn bị ám ảnh bởi số lượng hơn là chất lượng. Kể cả khi bạn vẽ, viết, hát hay sáng tạo ra bất cứ thứ gì. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tạo ra thứ mà bản thân thực sự cảm nhận. Suy nghĩ một cách sáng tạo. Tôi muốn ngắm một đại dương xanh màu lá và những con gấu đỏ như cà ri. Tôi muốn ngồi dưới những cái cây màu tím. Và tôi muốn đùa giỡn với những con voi da xanh màu trời.

Tại sao lại không?!

#Thoughts

Song Đề Xã Hội

Song Đề Xã Hội không chỉ đơn giản là một bộ phim tài liệu nói về tác hại của mạng xã hội. Nó còn cung cấp góc nhìn chi tiết về mô hình kinh doanh mạng xã hội – bán dữ liệu người dùng của những gã khổng lồ công nghệ.

Người ta luôn nói trí tuệ nhân tạo sẽ điều khiển con người trong tương lai. Không! Hiện tại nó đang điều khiển chúng ta rồi, bằng cách thao túng New Feeds và dùng thuật toán tinh vi chiêm mồi cho chúng ta đớp. Dưới sự bành trướng của Facebook, YouTube, Instagram và các dạng truyền thông lá cải khác, nhân loại đang bị dắt mũi bởi chủ nghĩa tiêu thụ, tin giả, thuyết âm mưu và nhiều thứ xấu xí khác.

Những thành viên trong gia đình ít hiểu biết về công nghệ nên xem vì Song Đề Xã Hội giải thích cặn kẽ lý do tại sao người trẻ luôn dán mắt vào màn hình. Thế hệ của những đứa trẻ lớn lên với điện thoại luôn cầm trên tay, với những cái like, những biểu tượng cảm xúc ảo và thấy bất cứ cái gì đăng trên mạng xã hội cũng thi nhau bình luận, thi nhau chửi (mặc dù không biết rõ bản chất sự việc).

Bộ phim tài liệu này cực kỳ quan trọng. Hãy xem để thức tỉnh và hiểu rõ về việc mạng xã hội đang thao túng nhân loại như thế nào.

#Watched

Chúng ta thường xuyên làm một chuyện gì đó mà thật ra chúng ta không hào hứng, cốt chỉ để lấy lòng người khác. Mục đích thầm mong họ khen ngợi, ngưỡng mộ, hoặc kính trọng chúng ta. Vấn đề là, điều này sẽ chẳng đi đến đâu. Chúng ta không thể cả đời theo đuổi một công việc do cha mẹ, người quen, hoặc xã hội kỳ vọng. Chúng ta không thể suốt ngày chụp những tấm ảnh check-in sang chảnh mong người khác vào thả icon trầm trồ. Chúng ta không cần phải đọc báo lá cải những tin kiểu: Ngọc Trinh bất ngờ mặc đồ kín đáo, Phi Thanh Vân ăn xoài cắn trúng lưỡi, con mèo nhà Trấn Thành bị táo bón mà nay đã ị được… để “cập nhật tin tức” với bạn bè.

Đây là con đường ngắn nhất để đốt cháy tâm thần và cảm xúc của chúng ta. Hãy tưởng tượng, bạn sống cả một đời chỉ để làm hài lòng người khác thôi sao? Bạn sẽ nói gì với chính mình vào lúc cuối đời? Bạn sẽ tự hào hay thất vọng?

Cuộc đời bạn là toàn bộ kinh nghiệm do bạn tự đúc kết thành, không có ai học dùm bạn hết. Bạn phải sống cuộc đời của mình. Bạn phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về những lần bản thân chọn sai. Mọi thứ đều là bài học, nhưng bạn không thể nhớ bài nếu bạn cứ luôn cố làm hài lòng những người khác, cũng như tìm kiếm sự công nhận từ họ. Mỗi người trong chúng ta xuất hiện trong cuộc đời này đều có một lý do. Và bạn, bạn ở đây để thực hiện lý do đó. Vậy nên hãy quên đi sự công nhận từ bên ngoài.

Đừng để bất kỳ ai điều khiển cuộc đời của bạn. Đừng sống để thỏa mãn ước muốn của người khác. Nếu bạn muốn làm gì, chỉ việc bắt tay vào làm thôi: Viết một cuốn sách, đi tới một nơi, xem những thứ bạn thích, ăn những thứ hợp khẩu vị, mặc trang phục mà bạn cảm thấy thoải mái… Hãy để tâm hồn bạn tự do biểu đạt. Tự kiến tạo di sản của chính mình. Bất kể dù bạn có làm cái gì đi chăng nữa, xin đừng chết như những nốt nhạc chưa viết thành bài ca.

#Thoughts

Định Mệnh Trong Mắt Anh

Định Mệnh Trong Mắt Anh là một phim tình cảm lãng mạn hiếm hoi khiến mình xem từ đầu tới cuối.

Phim kể về anh chàng Shinichiro Kiyama mang khả năng nhìn thấy được người sắp chết. Rồi vào ngày kia, anh chợt nhìn thấy cô bạn gái dễ thương Aoi Kiryu sắp chết. Kiyama quyết định chống lại số phận và hy sinh bản thân để cho người mình yêu được sống…

Nội dung phim đơn giản và dễ đoán. Mình cảm nhận phim như một câu chuyện dễ thương, không nặng nề tâm lý (nhưng hơi đau xót vào phút cuối). Yếu tố kỳ ảo nhìn thấy người sắp chết của phim chỉ là một mảnh ghép nhỏ giúp phim hợp lý. Điều chính nhất khiến mình thích Định Mệnh Trong Mắt Anh là ở cách kể chuyện, cũng như sắp xếp bối cảnh, không gian. Nó giống như nhiều phim Nhật thể loại tình cảm, gia đình mình từng xem: nhẹ nhàng, chậm rãi, buồn buồn và chứa cảm xúc thật ‒ trái ngược với sự làm màu, sến sẩm, phi lý quá lố của phim Hàn.

Diễn xuất của hai bạn diễn viên chính đạt mức tốt, rất nhập tâm. Nữ chính Kasumi Arimura mang một nét đẹp hồn nhiên, tinh khôi mà mình tin khán giả nam hay nữ xem phim chắc đều điêu đứng. Tính cách cũng dễ thương nữa, được tỏ tình xong hẹn ngày hôm sau mới trả lời “anh hãy làm bạn trai của em nhé” hehe. Còn nam chính Ryunosuke Kamiki theo mình thấy, bởi do biên kịch miêu tả như một người hướng nội quá trầm hiền cho nên phút cao trào chưa truyền tải được tròn vẹn cảm xúc. Giá mà, Kamiki bộc lộ được tình cảm nhiệt thành của người con trai hy sinh cho người mình yêu, vai diễn của anh sẽ hoàn hảo. Về những nhân vật khác, họ xuất hiện vừa đủ, nhờ đó phim không bị pha loãng.

Màu sắc của phim tươi sáng, chuộng tông vàng ấm như có chủ ý muốn tôn lên nụ cười hồn nhiên tỏa nắng và bóng dáng xinh đẹp như thiên thần của Kasumi Arimura. Nhạc phim cũng là một điểm cộng với điệu soft rock dồn dập, da diết (bài In The Stars của nhóm ONE OK ROCK).

Nếu xét về nghệ thuật thì Định Mệnh Trong Mắt Anh đạt mức trung bình khá, nhưng nếu xét về những cảm xúc mà phim mang tới thì mình sẽ chấm đủ tốt.

#Watched

Tạm mượn tựa đề tình khúc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương để so sánh với Facebook (dù nó không liên quan lắm).

Nói là vũng lầy chứ thật ra Facebook giống như cái hồ nước khủng lồ hơn. Ban đầu ít người dùng thì xanh biếc, trong lành. Tới chừng bùng nổ người dùng thì ô nhiễm cũng bùng nổ theo. Kiểu, chỗ này người ta uống nước, tắm táp thì chỗ khác có những kẻ vô tư xả rác, phóng uế bừa bãi xuống nguồn nước chung. Lâu ngày thành quen nên người ta xem đó là bình thường và điềm nhiên sống chung với ô nhiễm.

Chủ hồ Mark Zuckerberg biết hết nhưng chẳng quan tâm. Gã biết dân các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Brazil, Mexico... rất ngây thơ hoặc mù mờ về việc thu thập dữ liệu cá nhân. Gã ép họ phải dùng tên thật. Gã thống trị các mối quan hệ của chúng ta bằng Messenger. Gã dùng thuật toán tinh vi theo dõi mối quan tâm của từng người rồi bán cho nhà quảng cáo. Gã bí mật trả tiền cho một công ty truyền thông giải trí lớn nhất nhì Việt Nam để công ty này lập hàng chục trang, nhóm chuyên đăng tin giả, lá cải, thị phi, tục tĩu, bạo lực nhắm tới đối tượng người dùng trẻ.

Những thứ tiêu cực của Facebook thì kể cả ngày không hết, nhưng điều đáng suy ngẫm nhất là: Dù có nhiều hồ nước khác sạch hơn, đẹp hơn, phần lớn người ta vẫn không dám bỏ cái hồ Facebook dơ dáy.

Bởi vì bỏ rồi, chỗ đâu làm “Dân Phòng Trên Mạng”¹ hoặc đọc tin kiểu “cảm động con mèo của Trần Thánh bị táo bón đã hai hôm” huhu

¹ Thuật ngữ của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

#Technology #Privacy

Ảnh bìa sách Xuân Quỳnh - Một Nửa Cuộc Đời Tôi

Trong số những nhà thơ nữ hiện đại Việt Nam, tôi chỉ thích duy nhất Xuân Quỳnh.

Hồi năm lớp 7 học Võ Thị Sáu, nhớ cô N. già sắp nghỉ hưu dành trọn 2 tiết Tiếng Gà Trưa để kể “Lưu Quang Vũ đang có vợ mà Xuân Quỳnh giựt”, “Năm đó cô nghe tin cả nhà bị lật xe chết hết mà vui gì đâu á”. Ngồi nghe mà ngơ ngác hông hiểu tại sao cô dạy văn mà tâm hồn độc ác dữ vậy?!

Lên 12 thì dĩ nhiên, gặp bài Sóng huyền thoại. Thật sự thích bởi vì bài thơ sáng tác trong thời gian chiến tranh khốc liệt nhất mà lại không bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Và ý tứ, hình ảnh lại rất mượt mà, ngọt ngào. Đọc lên là biết ngay bài này do phụ nữ viết chứ ông nào mà viết được da diết đến như vậy?!

Trong khi đó, bài tôi thích đến mức nó cứ lởn vởn trong đầu là Thơ Tình Cuối Mùa Thu (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc)

Cuối trời mây trắng bay Lá vàng thưa thớt quá Phải chăng lá về rừng Mùa Thu đi cùng lá

Có thể tại cái câu “Chỉ còn anh và em, chỉ còn anh và em”, nó cứ lặp đi lặp một cách ma mị.

Hồi Xuân Quỳnh được Google làm doodle đại diện trang chủ, bọn báo lá cải lên bài ăn theo kể rằng Lưu Quang Vũ có người khác rồi Xuân Quỳnh tìm vợ khác cho Vũ, có ý định ly dị... lộn xộn cả lên. Thư tình người ta viết trêu nhau tình cảm mà cũng bị đào bới, xuyên tạc để câu view.

#Vietnamese